Thế giới như tôi thấy - Albert Einstein
[ 12/06/2017 00:00 AM | Lượt xem: 825 ]

Nhìn vào niên biểu của A.Einstein, có thể thấy hành trình trí tuệ của Einstein không chỉ loanh quanh trong lĩnh vực khoa học- lĩnh vực khiến ông trở thành một trong những con người nổi tiếng nhất của thế kỉ XX. Năm 1885, ông học chơi violon. Năm 1890, cậu bé Einstein 11 tuổi trải qua “một năm tôn giáo”, sinh hoạt theo các điều luật nghiêm ngặt của Đạo Do Thái. Năm 1905, xuất bản 5 tiểu luận khoa học, trong đó có công thức E=mc2. Năm 1934, biểu diễn một buổi hòa nhạc violon tại New York để ủng hộ các nhà khoa học chạy trốn Đức Quốc xã. Năm 1946, nhậm chức Chủ tịch Hội đồng chống chiến tranh nguyên tử. Năm 1952, được mời làm Tổng thống Isarel nhưng từ chối… (TheoThế giới như tôi thấy, nxb Tri thức, 2014, trang 223).


Chi tiết về cuốn sách các bạn có thể download từ đường link sau: 

http://minhtrietviet.net/lemontee/wp-content/uploads/2014/01/THE-GIOI-NHU-TOI-THAY-Tron-Cu%E1%BB%91n.pdf


Cái gì đã làm nên sự vĩ đại của Einstein? Đó phải chăng chỉ là những phát minh khoa học đầy bí ẩn? Ông là cha đẻ của Thuyết tương đối, mở ra một kỉ nguyên mới cho khoa học, nhưng ông cũng là tác giả của công thức nổi tiếng mà dựa vào đó người ta chế ra thứ bom hủy diệt khủng khiếp. Ông là một bộ óc vĩ đại bậc nhất của nhân loại, với những hiểu biết vô cùng phong phú về rất nhiều lĩnh vực tư duy khác nhau.


Nhưng Einstein vĩ đại có lẽ bởi ông là một con người, một con người đúng nghĩa. ĐọcThế giới như tôi thấy, cuốn tuyển tập những thư từ, diễn văn, tuyên bố của ông, có thể thấy mong muốn lớn nhất của đời ông có lẽ không nằm ở chỗ tạo nên những bước tiến vĩ đại trong khoa học, mà là mong muốn được cống hiến cho nhân loại. Ngay từ những dòng mở đầu cuốn sách, trích từ một tiểu luận được viết từ năm 1930, người ta đã có thể nhận thấy nguồn động lực bên trong thôi thúc ông chính là khát khao nhân bản này: “Tình cảnh của những đứa con trái đất chúng ta mới kì lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta tin rằng ta cảm nhận được điều đó. Song nhìn từ cuộc sống thường nhật mà không đi sâu hơn, ta biết rằng ta đến đây vì người khác- trước hết vì những người mà hạnh phúc của riêng ta phụ thuộc hoàn toàn vào nụ cười và sự yên ấm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng một sợi dây của lòng cảm thông. Mỗi ngày tôi nghĩ không biết bao nhiêu lần, rằng cuộc sống bên ngoài và cuộc sống nội tâm của tôi là dựa trên lao động của những người hiện tại và cả những người đã chết, rằng tôi phải nỗ lực để trao lại tương xứng với những gì tôi đã nhận được và còn nhận được“.


Lý tưởng sống vì con người, vì sự sống có lẽ là gốc rễ và nguồn động lực bên trong của trí tuệ vĩ đại Einstein. Nhờ lý tưởng sống này, ông hiểu rõ giá trị của cá nhân, bởi chẳng có một sự sống nào tồn tại ngoài cá nhân. Chính cá nhân với sức sống dồi dào mãnh liệt bên trong nó mới là yếu tố tạo nên sự bứt phá của chuỗi sự sống. Ông nói: “Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực trong các hoạt động của con người không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân: chỉ cá nhân mới bứt lên, tạo dựng được những giá trị trân quí và cao cả, trong khi bầy đàn, xét như bầy đàn, cứ mãi mãi vẫn là trì độn trong tư duy và trì độn trong cảm xúc”. Cũng nhờ lý tưởng nhân văn này, ông hiểu được rằng, cá nhân không bao giờ có thể tồn tại một cách cô lập, bởi mọi sự sống trong vũ trụ này đều không ngừng tác động lẫn nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau. Ông nhắc nhở chúng ta rằng: “Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua một ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Vậy nên, căn cước và ý nghĩa tồn tại của mỗi cá thể nằm ở chỗ, anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết” (trang 28, dd).


Với một quan niệm triết học vì sự sống làm ngọn nến soi đường, Eintein đã dành cả cuộc đời của mình để bảo vệ sự sống. Ông căm ghét chiến tranh, kẻ hủy diệt sự sống một cách nhẫn tâm nhất. Ông phụng sự khoa học, vì tin rằng khoa học sẽ giúp ích cho sự sống. Ông tôn trọng và lên tiếng đấu tranh cho tự do cá nhân. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của văn hóa đạo đức, bởi nó chính là sự “cứu vãn cho nhân loại” khỏi tội ác, cái đe dọa và làm tổn hại đến sự sống. Ông tin tưởng vào tôn giáo, bởi những tôn giáo chân chính đều dạy người ta biết trân trọng và bảo vệ sự sống. Ông bênh vực cho những cộng đồng thiểu số, bởi những cộng đồng thiểu số là những sự sống ở trạng thái yếu đuối và cần được che chở hơn cả. Vì sự sống, ông đã đốt cháy tận độ nguồn năng lượng bên trong bản thân, để sống một cuộc sống thật sự.


Nhưng triết lý vì sự sống có lẽ cũng tạo nên bi kịch của Eintein, là nỗi nhức nhối và niềm day dứt của Eintein. Khi nhận thấy sự bất lực của khoa học trong việc bảo vệ sự sống, cũng như sự tội nghiệp của khoa học khi bị buộc trở thành một công cụ tàn phá sự sống, ông đã dành phần còn lại của cuộc đời mình như để cứu chuộc cho sự lầm lỡ của khoa học. Ông đã thực sự bị giằng co giữa đam mê khoa học và khát vọng cống hiến cho con người. Nhưng có lẽ chính bi kịch ấy, sự day dứt ấy đã làm nên sự vĩ đại của Einstein, làm nên trí tuệ tổng hợp không ai sánh kịp của Einstein.


Einstein đã vượt ra khỏi tư cách một nhà khoa học, ông là một con người đúng nghĩa. Nhưng khi là một con người đúng nghĩa, với những giằng xé giữa lý tưởng và khát vọng cá nhân với trách nhiệm cộng đồng, ông đã gặp gỡ với triết học và tôn giáo. Ông vừa là một cá thể, vừa siêu việt ra khỏi thân phận hữu hạn của cá thể. Từ chính bi kịch của cá nhân, ông đã thể nghiệm cái sâu sắc và kì diệu của sự sống, của tôn giáo cũng như toàn bộ trí tuệ của nhân loại. Những gì ông đã suy nghĩ, đã hành động cho thấy, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học, triết học, đạo đức, pháp luật đều gặp gỡ ở một mối quan tâm chung- đó là sự sống.


Nguyễn Thị Ngọc Minh

Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội


Khoa
Vật lý & Công nghệ

(0208).3706.388
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 2