Buổi giao lưu nằm trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Việt Nam lần thứ XI” hè năm 2015 và Hội nghị khoa học Vật lý quốc tế.
Buổi giao lưu diễn ra thân thiện và cởi mở, các em học sinh đặt nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến vũ trụ học như: Sự hình thành các ngôi sao, các thiên hà trong vũ trụ, vì sao để có đam mê theo đuổi nghiên cứu khoa học, muốn trở thành nhà khoa học đạt Nobel thì phải làm như thế nào…
Đáp lại các câu hỏi của các bạn học sinh, GS. George Fitzgerald Smoot nhiệt thành chia sẻ kể cả kiến thức chuyên môn lẫn kinh nghiệm trong cuộc sống.
Buổi giao lưu với nhiều câu hỏi thú vị, có bạn hỏi: “Ở tuổi 20 - 30, Giáo sư có nghĩ mình nghiên cứu khoa học để đạt giải Nobel không? GS. George Fitzgerald Smoot vui vẻ trả lời: “Không! Nghiên cứu khoa học mà để đạt giải thưởng này giải thưởng kia thì chẳng bao giờ thành công. Mục đích của nghiên cứu khoa học là đưa những nghiên cứu đó vào ứng dụng thực tiễn cuộc sống để phát triển xã hội, phát triển thế giới”.
Trong khi đó, có bạn dù rất muốn theo con đường nghiên cứu khoa học lại đang băn khoăn vì quá mông lung với những câu chuyện “mơ hồ” với thực tại mà không biết cách nào tiếp cận với bộ môn khoa học này. GS. George Fitzgerald Smoot cho rằng: Không có việc gì là quá khó. Hãy làm những điều mình đam mê, cố gắng hết mình. Thành công chỉ đến khi bạn biết cố gắng và bạn sẽ tận hưởng niềm vui của mình với thành công đó.
Chủ nhân Nobel Vật lý cũng chia sẻ mình sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ông đã làm mọi việc để có thể đến trường và quãng thời gian học trung học cho đến đại học, ông phải làm rất nhiều công việc để theo đuổi đam mê. “Nếu thời gian có quay trở lại tôi cũng sẽ chọn con đường nghiên cứu khoa học vì đó là niềm đam mê của tôi”, GS. George Fitzgerald Smoot chia sẻ.
Qua buổi giao lưu, Giáo sư đạt giải Nobel đánh giá các bạn học sinh Việt Nam: “Trước khi tiếp xúc với các bạn học sinh Việt Nam, tôi đã từng làm việc với học sinh, sinh viên ở nhiều nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… thì tôi thấy học sinh Việt Nam rất xuất sắc. Các em có niềm đam mê khoa học rất lớn, có nền tảng vững chắc, tư duy tốt và thể hiện khao khát rất lớn nghiên cứu khoa học. Tôi nghĩ, các em sẽ là tương lai của đất nước”.
Tham gia buổi giao lưu, em Nguyễn Tiến Trung Kiên (trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), chủ nhân huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế, chia sẻ: “Em rất vinh dự là một trong số học sinh của Việt Nam đón nhận những tình cảm của GS. George Fitzgerald Smoot. Đây thực sự là cơ hội quý báu là động lực để em tiếp tục học tập. Trước mắt, em tiếp tục học tập và tìm kiếm học bổng du học nước ngoài”.
Giáo sư Trần Thanh Vân (đứng) giải thích thêm những câu hỏi mà các học sinh còn chưa hiểu.
PGS. TS Phan Bảo Ngọc - Trưởng bộ môn Vật lý Trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng: “Buổi giao lưu thực sự là cơ hội rất tốt cho các bạn học sinh đam mê khoa học tự nhiên. Những buổi giao lưu thế này cực kỳ là hữu ích cho các thế hệ trẻ Việt Nam giúp các em nuôi dưỡng đam mê theo con đường nghiên cứu khoa học”.
GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, chia sẻ: Thời chúng tôi không có điều kiện, cơ hội để thực hiện đeo đuổi những đam mê, nhưng tôi rất mừng vì hôm nay các em cơ hội được gặp gỡ các nhà khoa học trên thế giới. Tôi rất mong các bạn trẻ nắm lấy cơ hội đó để nhận những lời khuyên của các nhà khoa học thế giới bởi họ có một cái nhìn rất xa về tương lai của khoa học. Chính các nhà khoa học thế giới sẽ giúp các bạn trẻ Việt Nam thực hiện được mơ ước để đóng góp cho tương lai và cho nền khoa học thế giới.
Học sinh Việt Nam tự tin hỏi bằng tiếng Anh để giáo sư trả lời.
Một bạn học sinh xin số điện thoại GS. George Fitzgerald Smoot để liên lạc trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội du học nước ngoài.
GS. George Fitzgerald Smoot rất thân thiện với học sinh Việt Nam.
GS. George Fitzgerald Smoot chụp hình lưu niệm với đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Theo dantri.com.vn
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 19