Học sinh căng mình ôn tập
Theo tổng hợp từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Sở GD&ĐT Nghệ An, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, tỉnh này có 30.966 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó có 2.261 thí sinh tự do, 10.577 thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ khoảng 30%), số còn lại đăng ký thi xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Ngoài 3 môn bắt buộc gồm Toán - Ngữ văn - Ngoại ngữ, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT tổ chức 2 môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Số liệu tổng hợp của Sở GD&ĐT Nghệ An cho thấy, tỷ lệ học sinh đăng ký các môn tổ hợp KHXH (Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân) chiếm gần 70%.
Tại Trường THPT Nam Đàn 2 (huyện Nam Đàn, Nghệ An), có 252/396 em đăng ký tổ hợp môn KHXH chiếm 67% (cao hơn so với những năm trước là 30%). Tại Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành) cũng có khoảng 70% học sinh chọn thi tổ hợp môn KHXH...
Em Nguyễn Đắc Hoàng (Trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên Thành) cho biết: "Em đăng kí thi lấy điểm xét tốt nghiệp THPT, môn tự chọn là tổ hợp KHXH. So với tổ hợp môn KHTN thì tổ hợp môn KHXH em nghĩ là vừa sức với mình hơn nhưng vì thi theo hình thức trắc nghiệm thì phải học kỹ, nắm chắc các kiến thức một lúc 3 môn nên cũng khá là khó khăn”.
Đăng kí thi THPT quốc gia lấy điểm xét tuyển khối A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) nhưng Hoàng Ngọc Ánh (Trường THPT Thái Lão, Hưng Nguyên) chọn cả 2 tổ hợp KHTN và KHXH, bởi vậy khối lượng kiến thức em phải ôn luyện cho kỳ thi này rất lớn. Ngoài việc tự củng cố kiến thức, tham gia ôn luyện trên lớp, Hoàng Ngọc Ánh dành 1 tuần 2 buổi để ôn luyện môn thi lấy điểm xét tuyển đại học.
“Theo quy định, thí sinh được chọn điểm 1 trong 2 tổ hợp để xét tốt nghiệp. Trong khi đó tổ hợp KHTN thì em lại không tự tin vào môn Hóa và Sinh lắm nên em quyết định chọn cả 2 tổ hợp. Tổ hợp nào cao điểm hơn sẽ chọn để tính điểm xét tốt nghiệp. Chọn cả 2 tổ hợp thì việc ôn thi cũng vất vả hơn nhưng an toàn hơn”, Anh cho hay.
Thầy cô căng sức làm đề thi
Theo ông Nguyễn Trọng Giáp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành, Nghệ An), việc tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp KHXH cao là một tín hiệu đáng mừng bởi sẽ không còn xảy ra tình trạng nhiều điểm thí “trắng” thí sinh môn Lịch sử và các môn xã hội như những năm trước. Mặc dù vậy, việc ôn tập cho các em quen với hình thức thi theo tổ hợp môn khiến các trường gặp không ít khó khăn. Hiện Trường THPT Phan Thúc Trực chỉ có 3 giáo viên dạy Địa Lý, 3 giáo viên môn GDCD, 4 giáo viên Lịch sử… Các giáo viên này vừa phải đảm bảo đủ tiết cho khối lớp 10, 11 vừa tham gia dạy và ôn thi cho học sinh khối 12.
Đây là lần đầu tiên thi theo hình thức trắc nghiệm đối với tổ hợp môn trong khi đó lại không có nhiều tài liệu để tham khảo nên các trường tự xoay sở, nghiên cứu đề thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lên đề cương ôn tập, xây dựng ngân hàng đề… cho học sinh của mình. Thời gian qua, để giúp học sinh làm quen với hình thức thi mới, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng chỉ đạo các trường chủ động chương trình dạy học, điều chỉnh các bài kiểm tra và bài thi học kỳ theo hướng kết hợp theo tỷ lệ 60% trắc nghiệm và 30% tự luận.
Ông Nguyễn Trọng Giáp cho hay, dù làm việc cả ngày nghỉ các giáo viên cũng không thể đảm bảo mỗi học sinh một đề khi tổ chức thi, kiểm tra để học sinh làm quen với dạng đề thi mới. “Cố gắng lắm chúng tôi chỉ có thể đạt mức mỗi phòng thi có 8-12 đề thi”, ông Giáp nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền (giáo viên Lịch sử, Trường THPT Nam Đàn 2, được giao nhiệm vụ làm nhóm trưởng nhóm làm ma trận đề thi tổ hợp môn KHXH) chia sẻ: Thường thì với các câu hỏi nhận biết, thông hiểu thì không quá khó vì kiến thức ở trong sách giáo khoa. Nhưng với câu hỏi vận dụng và vận dụng cao thì nhiều giáo viên còn rất lúng túng.
“Ra câu hỏi nhưng cũng phải đưa ra các đáp án lựa chọn. Ngôn ngữ, ý tứ trong các phương án phải rõ ràng, khách quan, có thể có những chi tiết “đánh lừa”, gây “lạc hướng” để phân loại học sinh nhưng đảm bảo mỗi câu hỏi chỉ tuyệt đối có 1 đáp án đúng. Điều này không hề dễ đối với giáo viên làm ma trận đề thi”.
Với hai môn thi tổ hợp đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức bao quát, lượng kiến thức ôn tập cũng lớn hơn các năm khác.
Bên cạnh tổ chức cho học sinh làm quen với cách thức tổ chức đề thi mới (đối với các môn tổ hợp), các trường THPT trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều buổi thi thử để đánh giá chất lượng học sinh, bên cạnh đó, giúp học sinh tự đánh giá năng lực để có lựa chọn phù hợp trong việc đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Một số trường tổ chức kỳ thi học kỳ như thi thử THPT quốc gia, vừa giúp học sinh làm quen với đề thi, vừa lấy điểm tính điểm trung bình môn học.
Theo bà Hồ Thị Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên), việc tổ chức thi học kỳ như một kỳ thi thử THPT quốc gia mặc dù kết quả có giảm hơn một chút so với những năm trước nhưng đã tạo cho các em học sinh ý thức học và thi thực sự, nghiêm túc. Hiện học sinh đã hoàn tất đăng ký dự thi, chọn tổ hợp môn thi, nhà trường đang sắp xếp lại các lớp ôn tập theo từng trình độ và tổ hợp môn thi để có phương pháp giảng dạy phù hợp.
Hiện các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12. Việc ôn tập này sẽ kết thúc trước kỳ thi THPT quốc gia diễn ra khoảng 1 tuần tùy theo nguyện vọng của học sinh.
Hoàng Lam (theo dantri.com.vn)
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 8