Trường hè không phải là một mô hình mới trên thế giới nhưng chỉ xuất hiện ở Việt Nam mỗi mùa hè từ 2013 trở lại đây. Hẳn các anh chị không dễ dàng với một hoạt động như vậy?
Lưu Quang Hưng: Chúng tôi nhận thấy tới hơn 90% các bạn trẻ tìm đến với nghiên cứu khoa học đều không biết bắt đầu từ đâu. Chính vì thế, chúng tôi tổ chức Trường hè với mục tiêu giúp các bạn trẻ thích nghiên cứu có dịp được học tập và hình thành các kỹ năng thiết yếu về khoa học, có thêm những ý tưởng mới qua các lăng kính khác nhau thông qua trao đổi chuyên môn, và giúp các em có thêm những người bạn mới ở các môi trường khác nhau, từ đó bồi đắp tình yêu dành cho khoa học.
Ngô Đức Thế: Trường hè khoa học thực chất là một hoạt động truyền bá tri thức và rèn luyện kỹ năng do một nhóm các cá nhân sáng lập. Do đó, chúng tôi phải đối mặt với một vấn đề muôn thủa là tài chính. Ngay việc tìm một phòng học cho 100 người cũng không dễ. Từ đầu đến nay, những người sáng lập đều phải bỏ hoàn toàn tiền túi để làm công tác tổ chức, ít (20%) hay nhiều (80%) tùy thuộc mức tài trợ vận động được hàng năm. Rồi hồi đầu, các bạn trẻ yêu thích khoa học không biết đến, một số cũng thờ ơ không mấy tin tưởng vào chương trình Trường hè do những người lạ hoắc từ nước ngoài về tổ chức.
Nhà nghiên cứu Lưu Quang Hưng.
Thuận lợi đầu tiên chúng tôi có được rất quan trọng, là sự tin tưởng và ủng hộ từ một số người lãnh đạo đại học và từ các giảng viên trẻ, nhiệt huyết, để Trường hè dần đi vào quỹ đạo phát triển ổn định.
|
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thế. Ảnh: NVCC. |
Vậy các anh chị làm sao để truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho học viên, một lĩnh vực có vẻ là rất khó khăn?
Ngô Đức Thế: Rất nhiều học viên chia sẻ rằng họ chưa từng được học một lớp học như vậy trong cuộc đời. Sau 5 năm nhìn lại, chúng tôi nhận thấy những điểm cốt lõi khiến Trường hè có tác động truyền cảm hứng mạnh mẽ như vậy. Thứ nhất, là tư duy gợi mở. Phương pháp truyền đạt kiến thức ở Trường hè được thiết kế với cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với phong cách giảng dạy truyền thống lâu nay ở trường đại học Việt Nam. Khi thiết kế bài giảng, chúng tôi không tập trung cung cấp cho học sinh kiến thức càng nhiều càng tốt. Thay vào đó, giảng viên đóng vai trò chủ yếu là dẫn dắt vấn đề dưới góc nhìn đa chiều và khách quan, để người học tự đi tìm câu trả lời, tự rút ra được kết luận riêng từ những luận điểm có khi đối nghịch. Sự tự do trong tư tưởng như vậy khiến các em tự tin hơn trong việc hình thành nên tư duy độc lập, rất có ích khi làm nghiên cứu.
Lưu Quang Hưng: Các bài giảng đều hấp dẫn và mới lạ. Nội dung ấy các em hầu như không có cơ hội được học tại trường học truyền thống với khung chương trình hiện nay, như vai trò của tự do học thuật, tư duy phản biện, mô hình đại học, ứng dụng các tri thức vào triển khai nghiên cứu, hay những kỹ năng viết bài báo khoa học, cách hiểu đúng về đạo văn, cách xin học bổng du học, với sự giảng dạy của các giảng viên tâm huyết như các tiến sĩ Giáp Văn Dương, Trần Trọng Dương, Nguyễn Tô Lan, Nguyễn Ngọc Anh, Ngô Đức Thế, Nguyễn Đức Dũng, Nguyễn Đức Thành, Tô Mai Hương... Mỗi bài giảng đều nén chặt trong khung thời gian 1-2 tiếng đồng hồ, khiến giảng viên phải lựa chọn những nội dung nổi bật nhất khi truyền đạt.
Thứ ba, giảng viên được tuyển chọn đều có chuyên môn vững, 100% được đào tạo tương đối bài bản và có kinh nghiệm nghiên cứu ở các môi trường học thuật tốt ở nước ngoài (Anh, Mỹ, Pháp, Nhật). Nhưng điều quý giá hơn, các giảng viên Trường hè đều tâm huyết chia sẻ tầm nhìn: Giúp Việt Nam có thêm nhiều những bạn trẻ theo đuổi việc nghiên cứu có tâm, có tài và có kỹ năng. Tất cả đều gạt bỏ bận rộn cá nhân dành ưu tiên cho Trường hè, giảng dạy miễn phí và chia sẻ tối đa những gì mình có.
Ngô Đức Thế: Điểm cuối cùng, chính là vai trò rất lớn của tính tương tác. Các giờ học luôn sôi nổi với những tranh luận giữa học viên và các giảng viên. Chúng tôi coi học viên như đồng nghiệp. Điều đó giúp cho người học tự tin, luôn không ngại tham gia tranh luận để cùng thu nhận tri thức mới. Không có thầy nói, trò nghe - Trường hè chỉ có người có kinh nghiệm hơn, truyền lại trải nghiệm của bản thân cho người đi sau. Kiến thức, kinh nghiệm thu nhận thông qua các thảo luận nghiêm túc và cởi mở.
Xin hãy nói thêm về nội lực của trường hè để truyền cảm hứng lớn như vậy tới học viên: Giảng viên của trường làm sao có thể tham gia công việc vì cộng đồng này?
Ngô Đức Thế: Động lực giúp chúng tôi gây dựng Trường hè xuất phát từ trách nhiệm. Trước hết, đó là trách nhiệm học thuật. Những người làm khoa học chúng tôi tự nhận thấy mình có trách nhiệm dẫn dắt những người đi sau để họ có hành trang tốt hơn khi bước vào con đường nghiên cứu, bởi chúng tôi cũng từng ít nhiều phải mò mẫm trên con đường nghiên cứu thú vị nhưng đầy chông gai để tìm được lối đi cho bản thân.
Thứ hai, đó là trách nhiệm với đất nước, đặt biệt là sự phát triển khoa học của nước nhà. Khoa học Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề cản trở sự phát triển. Một trong những lý do đó là vì sự thờ ơ với nghề nghiên cứu hay sự nghiệp khoa học nghiêm túc. Chúng tôi hi vọng mình có thể có những đóng góp nhỏ để thay đổi quan niệm đó.
Điểm may mắn là rất nhiều các nhà khoa học lão thành truyền cảm hứng cho chúng tôi phát triển Trường hè, như vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân, những nhà khoa học trong diễn đàn Humboldt hay những nhà nghiên cứu cùng chí hướng. Họ vẫn nỗ lực không mệt mỏi để cùng thay đổi nền khoa học Việt Nam dù nay đã cao tuổi, thì chẳng có lý do gì những người còn trẻ không thể cùng vào cuộc, cùng tiếp bước với họ. Giáo sư Trần Thanh Vân khi bắt đầu biết đến Trường hè của chúng tôi đã rất vui mừng và ngay lập tức ủng hộ. Nhưng ông cũng không quên cảnh báo: “Đừng cho rằng nó có thể đem lại thành công hay lợi lộc gì cho bản thân. Các em hãy nên nghĩ làm sao cố gắng nỗ lực hết sức để phát triển nó, đem lại lợi ích cho càng nhiều bạn trẻ càng tốt!”.
Chúng tôi rất vui vì biết qua cuộc khảo sát sau Trường hè, có tới 1/4 trong số cựu học viên quyết định bỏ công việc đang làm trước đó để chuyển sang công việc khác liên quan đến nghiên cứu khoa học. Hoặc, có khoảng trên dưới một trăm bạn đã nhận được học bổng du học nước ngoài (toàn phần, bán phần, ngắn hạn) mà phần lớn đều khẳng định, bài học Trường hè giúp ích rất nhiều cho việc nộp học bổng và/ hoặc tiến hành nghiên cứu.
Làm sao để nuôi dưỡng cảm hứng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, khi áp lực kinh tế thị trường, rào cản cơ chế luôn khiến cho những người trẻ dễ dàng từ bỏ khoa học để chọn các công việc khác có hiệu quả kinh tế tốt hơn?
Ngô Đức Thế: Chúng tôi cho rằng, làm khoa học không phải là sự hy sinh (dường như nhiều người Việt Nam vẫn tin rằng nó là sự hy sinh). Những ai yêu thích thì nên theo đuổi, còn ai không yêu thích thì chẳng nên gượng ép. Xã hội ngày nay thay đổi rất nhanh chóng, nhiều nghề sẽ mất đi hoặc thay đổi, nhưng những nghề vận dụng nhiều chất xám như nghiên cứu vẫn là những hòn đá tảng làm nền móng để xây dựng và phát triển những ngành nghề khác.
Quay trở lại câu hỏi, chúng tôi cho rằng bên cạnh những vấn đề về cơ chế hay lạc hậu về kinh tế, thì có một nguyên nhân quan trọng đến từ giáo dục. Giới trẻ Việt Nam hiện nay đa phần chưa hiểu đúng về nghiên cứu khoa học, không rõ “nghề nghiên cứu” sẽ cần làm những việc gì, theo đuổi nghề này sẽ ra sao. Thật ra nghiên cứu khoa học cũng là một nghề, hoàn toàn bình thường như bao nghề khác. Do đó, không nên quan trọng hóa nó lên, nhìn nó bằng một con mắt lệch lạc. Ngoài ra, việc làm khoa học ở nhiều trường không nghiêm túc, cắt dán kết quả, hời hợt và không theo chuẩn mực. Điều đó dẫn tới việc suy giảm yêu thích, đôi khi áp lực từ bỏ còn đến từ gia đình.
Lưu Quang Hưng: Một Trường hè Khoa học nhỏ bé với vài trăm em tốt nghiệp hàng năm chẳng thể tham vọng có tác động rõ rệt đến xã hội ngay lập tức. Với các cựu học viên, chúng tôi cũng không kỳ vọng biến đổi các sinh viên trẻ thành những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, hay chẳng thể giúp ai đang nghiên cứu vô cùng tệ thành nhà nghiên cứu giỏi. Những điều chúng tôi đã, đang và sẽ làm là giúp cho các bạn trẻ hiểu chính xác về công việc nghiên cứu khoa học, từ đó giúp họ có được những chuẩn bị hành trang phù hợp nếu có ý định theo đuổi nó lâu dài. Những đốm lửa nhỏ mà chúng tôi gieo ấy hy vọng sẽ dẫn dắt họ trên con đường tự tìm kiếm giá trị cho bản thân, nuôi dưỡng lòng say mê nghiên cứu, để đóng góp tốt hơn cho đất nước, cho xã hội.