Trong những ngày gần đây, từ khóa Cách mạng công nghiệp 4.0 đang gây ảnh hưởng sâu rộng trong cả cách tiếp cận với sản xuất cũng như chương trình đào tạo trên toàn thế giới. Một trong những nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0 là Kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT). Theo TS Timothy Chou, các Things ở đây là các thiết bị đo lường, và chúng sẽ được kết nối với nhau để giúp hệ thống đưa ra các quyết định. Thông thường, khi nói đến IoT các bạn quan tâm đến việc kết nối các Things (Vạn vật), chứ thường bỏ qua một phần rất quan trọng là làm sao đo lường được các thông tin cần đo và chuyển nó thành dạng thông tin có thể truyền tải được. Để làm được điều đó người ta sử dụng linh kiện gọi là cảm biến. Không giống như con người có 5 giác quan để đo đạc thông tin về môi trường xung quanh đó là xúc giác, vị giác, thị giác, thính giác và khứu giác, các Things này phải đo đạc một cách chính xác rất nhiều thông tin trong quá trình hoạt động của nó như nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng, gia tốc, vận tốc … Mỗi loại thông tin tương ứng với một loại cảm biến khác nhau. Ví dụ, trong một tua bin gió (tua bin phát điện gió) có 400 cảm biến khác nhau, gần gũi hơn trong một chiếc điện thoại thông minh thông thường có 14 cảm biến siêu nhỏ khác nhau như cảm biến nhiệt độ, cảm biến gia tốc… Có thể nói cảm biến và các hệ thống siêu nhỏ là một phần quan trọng trong hệ thống kết nối vạn vật (IoT).
Vậy làm thế nào để chế tạo các cảm biển và các hệ thống siêu nhỏ này, và làm thế nào để có thể tích hợp các cảm biến và hệ thống siêu nhỏ vào trong điện thoại di động … tất cả đều sẽ được trả lời khi các bạn theo học ngành lý Vật lý kỹ thuật, điện tử và công nghệ nano. Ví dụ cảm biến gia tốc trong các thiết bị định vị GPS được chế tạo bằng công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) hay trong tương lai sẽ phát triển thành công nghệ NEMS. Để chế tạo các cảm biến với kích thước siêu bé, siêu nhẹ, đòi hỏi năng lượng thấp, tiết kiệm vật liệu người ta sử dụng công nghệ vi điện tử hay công nghệ nano.
Như vậy có thể nói, cùng với các ngành Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Toán tin – các ngành chuẩn bị cho việc kết nối hệ thống các Things, thì ngành Vật lý kỹ thuật, điện tử và Công nghệ nano - ngành khởi tạo ra các Things - là một ngành không thể thiếu trong cách mạng công nghiệp 4.0. Để có thể tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0 thì cần phải có những kĩ sư giỏi nhất, đam mê nhất, sáng tạo nhất – và đó là lí do tại sao Trường Đại học Khoa học với các cán bộ được đào tạo bài bản, sức trẻ và nhiệt huyết sẽ giúp các bạn sinh viên/ học viên cao học có một môi trường học tập năng động, cởi mở cho những bạn sinh viên dám đam mê, dám đi đầu và dám liều lĩnh khám phá những điều mới mẻ trên con đường tiếp cận với cách mạng công nghiệp 4.0. Vậy các 2ker, còn chờ gì nữa mà không đăng kí để thi vào lớp Thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Quang học (Quang học, quang tử và quang nano). Chúng tôi đang chờ những người dám đổi mới, dám sáng tạo!
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 21