Nhu cầu cao của thị trường lao động
Ngành Vật lý kỹ thuật và điện tử là một ngành thiên về kỹ thuật chứ không phải là một ngành thuần túy khoa học nghiên cứu. Ngành này vừa đóng vai trò sản xuất công nghiệp và đồng thời giúp đưa những sáng chế và kiến thức mới từ các nghiên cứu có bản chất vật lý vào trong đời sống và sản xuất.
Luôn dẫn đầu trong top 10 hàng lớn trong lĩnh vực xuất khẩu tại Việt Nam, tính đến hết tháng 11 năm 2017, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, nhóm các sản phẩm như điện thoại, máy tính, điện tử và linh kiện, là đầu ra của ngành công nghiệp điện tử, chiếm tới 33.45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cùng với sự phát triển của nhóm các sản phẩm này, nguồn nhân lực trong ngành vật lý kỹ thuật và điện tử tại Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh mẽ và có vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế. Tại thành phố Hồ Chí Minh – một trong những công xưởng công nghiệp của cả nước, nhu cầu nguồn nhân lực từ năm 2015 – 2020, chỉ riêng ngành Kỹ thuật và Công nghệ chiếm tới 35% tổng nhu cầu.
Cụ thể trong ngành điện tử, ngày càng nhiều các công ty nước ngoài thiết lập nhà máy tại các khu công nghiệp và chế xuất tại Việt nam, như Canon Vietnam với 25,000 nhân công, Foxconn Vietnam với 10,000 nhân công, Panasonic Vietnam với 8,000 nhân công, 8,000 nhân công tại Meiko Vietnam, 2,000 nhân công tại LG Vietnam, và đặc biệt Samsung Việt Nam với hơn 110,000 nhân công. Xu hướng này cũng đi kèm với sự phát triển của công nghiệp sản xuất pin mặt trời, các đèn LED chiếu sáng, ô tô điện hay màn hình điện thoại di động sử dụng vật liệu lai hữu cơ.
Chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao
Chương trình cử nhân ngành Vật lý Kỹ thuật và Điện tử tại USTH được mở với mục đích cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động sôi động này đồng thời một phần giúp theo kịp trình độ phát triển của Vật lý học hiện đại trên thế giới. 100% chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh với các môn học được hoà trộn một cách hài hòa giữa Toán học, Vật lý, Điện tử và Tin học.
Trong thời gian đầu các chuyên ngành được thiết kế theo hai hướng chính: (i) Bán dẫn và Điện tử với định hướng điện tử thông minh, thiết kế vi mạch cũng như trong công nghiệp sản xuất pin mặt trời, sản xuất led, công nghiệp điện tử, và (ii) Quang học và Quang tử nhằm định hướng ứng dụng các thiết bị quang điện tử, phân tích quang học không phá hủy, các thiết bị quang học, thiết kế ánh sáng…
Mục tiêu của chương trình là trang bị cho sinh viên vốn ngoại ngữ vững chắc cùng nền tảng kiến thức cơ bản về Vật lý từ lý thuyết đến thực nghiệm, nắm được bản chất vật lý quy định sự vận động của các hệ thống, thiết bị và linh kiện điện tử quang học.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Vật lý kỹ thuật và điện tử theo hai hướng chuyên ngành trên có thể làm việc không những trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn và quang học mà còn trong nhiều lĩnh vực ứng dụng khác của cuộc sống.
Chuyên ngành bán dẫn và vi điện tử
Chế tạo mạch điện tử được coi như linh hồn của các máy tính bảng và điện thoại thông minh, màn hình LCD và nhiều thiết bị điện tử khác. Không chỉ vậy, linh kiện bán dẫn hiện là “trái tim” của thiết bị và là mảng đầu tư “hái ra tiền” của nhiều hãng công nghệ hàng đầu như Samsung - đang đầu tư rất lớn vào ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn tại Việt Nam.
Sinh viên chọn chuyên ngành bán dẫn và vi điện tử có thể tìm được việc làm trong các công ty thiết kế chế tạo mạch và linh kiện điện tử, sản xuất thiết bị điện tử, pin mặt trời sản xuất thậm chí tại cả các công ty sản xuất ô tô điện.
Các nhà tuyển dụng tiềm năng của họ là các công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic, Điện tử Meiko, BoViet, IREX, Vinasolar thiên về năng lượng mặt trời; hay các viện nghiên cứu và phát triển như phòng nghiên cứu và phát triển tại các công ty tập đoàn kinh tế như Viettel, hoặc tại các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực vi điện tử, mạng của vạn vật (IoT), điện tử, tin học.
Các sinh viên chuyên ngành bán dẫn và vi điện tử cũng có thể phát triển sự nghiệp theo hướng đi sâu vào nghiên cứu thiết bị bán dẫn trong Công nghệ nano bao gồm Vật liệu nano và thiết bị Nano, trong thiết kế vi điện tử, hay vật chất cô đặc bao gồm cả vật liệu mềm.
Chuyên ngành quang học và quang tử
Hiện nay, Việt Nam được biết đến như một quốc gia đang bùng nổ điện mặt trời với nhiều nhà máy đang được xây dựng. Hiện năng lượng mặt trời chỉ chiếm 0.01% trong tổng số sản lượng điện. Con số này được kỳ vọng lên 3.3% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Vì thế, khả năng phát triển cho các sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật và điện tử có việc làm khá cao. Rất nhiều môn học của ngành phục vụ trực tiếp cho lĩnh vực này như quang học và quang tử, quang phổ ...
Nhà tuyển dụng tiềm năng của nhóm sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quang học và quang tử là nhà máy điện mặt trời, nhà sản xuất, kinh doanh dụng cụ quang học như Canon, Olympus, các trung nghiên cứu và phát triển của các tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, các trung tâm kiểm tra vật liệu, chẳng hạn như Trung tâm Quatest, hoặc thiết kế chiếu sáng dân dụng … Ngoài ra sinh viên lựa chọn chuyên ngành Quang học và Quang tử còn có thể kế hợp với công nghệ nano để cho ra đời các thế hệ thiết bị và linh kiện quang học, quang tử thế hệ mới nhằm thay thế các thiết bị và linh kiện điện tử thông dụng hiện nay.
Ngoài làm việc tại các công ty, tổ chức liên quan, sinh viên tốt nghiệp tại USTH cũng có thể học tiếp lên Thạc sĩ tại USTH hoặc các trường đại học tốt trong nước và nước ngoài.
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 44