Hơn 150 nhà quản lý và chuyên gia đã thảo luận về giải pháp để đưa giáo dục thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó có đề cập đến việc phải thực hiện tốt hơn Nghị quyết 29.
Chiều 20/5, tại Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo “Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Vấn đề và giải pháp” nhằm cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học cho định hướng và chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) ở Việt Nam trong bối cảnh mới; góp phần phục vụ soạn thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
“Chúng tôi mong muốn Hội thảo tập trung thảo luận để đưa ra nhận thức chung về tư duy giáo dục và đào tạo mới, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về đổi mới giáo dục, đào tạo để thích ứng yêu cầu và tận dụng cơ hội của cuộc CMCN lần thứ tư", ông Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó Trưởng ban Tổ chức Hội thảo nhấn mạnh trong phát biểu đề dần hội thảo.
Cụ thể hóa các chỉ tiêu đánh giá
Nghị quyết 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” (NQ 29) được xem là một dấu mốc quan trọng trong việc đề ra phương phướng cho đổi mới giáo dục , khi mà những lần thay đổi giáo dục trước đó đều không xác định được mục tiêu tổng thể và chỉ loanh quanh thay đổi số năm học và hệ thống chữ viết, theo TS. Nguyễn Thanh Long – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đồng tình rằng,“Nghị quyết 29 có tầm nhìn chiến lược” và “giá trị của nó vẫn còn nguyên, phù hợp với xu hướng thế giới hiện nay”.Trong bối cảnh thế kỉ 21 đối mặt với một loạt những biến động mới không lường trước được thì những mục tiêu mà NQ 29 đặt ra như phát triển giáo dục mở và học tập suốt đời, chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, nâng cao chất lượng, thực học thực nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế, xã hội hóa giáo dục… đều được xem là tương thích với sự thay đổi của tương lai.
Thảo luận về những thay đổi cần thiết cho Giáo dục và đào tạo Việt Nam trong bối cảnh mới | Ảnh: VNU
Nhưng bên cạnh các kết quả đáng chú ý mà NQ29 đã tạo ra, ông Long cho rằng, nền giáo dụcvẫn còn tồn tại một loạt hạn chế mà các nhà quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh đều có thể nhìn thấy. Điều này cũng được GS.TS. Nguyễn Thị Doan – Nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phân tích rõ như chương trình đào tạo nặng về lý thuyết; Phương pháp giảng dạy lỗi thời làm học sinh thụ động, máy móc; Chất lượng đội ngũ giáo viên tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, yếu kém; Hệ thống bảng lương cho giáo viên còn nhiều bất cập, Việc hướng nghiệp cho học sinh còn hạn chế, Xuất hiện không ít những biểu hiện đi xuống của văn hóa học đường…
Từ kinh nghiệm nghiên cứu sự thay đổi tư duy giáo dục của Mỹ và 5 nền kinh tế mạnh ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan trong thế kỉ 21, TS. Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách, Hiệp hội ĐH&CD chỉ ra rằng những thay đổi của các nước trên đều ít nhiều phản ánh giống như một vài mục tiêu mà Việt Nam đã viết ra, nhưng tiến trình thực hiện cải cách của họ luôn nhanh và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi, thì các nền giáo dục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan cũng đặt ra những mục tiêu như Việt Nam kỳ vọng, nhưng tiến trình thực hiện cải cách luôn nhanh và hiệu quả hơn, theo TS. Mai Văn Tỉnh, Phó trưởng Ban nghiên cứu & phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường Cao đẳng và đại học Việt Nam.
“Nói vui một chút, có lẽ thế giới thấm nhuần nghị quyết 29 của chúng ta hơn chính chúng ta”, Ông Tỉnh chia sẻ. Ông cũng cho biết nếu nói độ trễ các cải cách kinh tế thường là 10 năm thì độ trễ của cải cách giáo dục có thể lên tới trên 20 năm.
STEM là một cách thức học gắn với thực hành được nhiều nước triển khai từ hàng chục năm, nhưng mới bắt đầu nở rộ ở Việt Nam từ 5 năm trở lại. Tại hội thảo, ông Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên BTC ngày hội STEM quốc gia vừa diễn ra ngày 19/5 đã chia sẻ những bước tiến của STEM Việt Nam do các cá nhân, trường học và tổ chức tư nhân đứng ra phát triển trong điều kiện chưa có ngân sách nhà nước cho các hoạt động này. | Ảnh: Ngày hội STEM 2019
Vậy điều gì khiến NQ29 chưa phát huy được hết tác dụng của nó? Ông Long cho rằng một trong những lý do quan trọng là bởi chúng ta vẫn chưa xây dựng được lộ trình thực hiện, chương trình cụ thể hóa và các chỉ tiêu đánh giá cho NQ29 trên.
Mặc dù NQ29 chưa chính thức đưa ra lộ trình tổng thể chi tiết cho toàn bộ nền giáo dục nhưng khá nhiều nghiên cứu ở các phân mảng nhỏ hơn như giáo dục đại học đã cố gắng đề xuất những mô hình cụ thể, đi kèm với đó là bộ tiêu chuẩn và khung đánh giá rõ ràng để làm tham chiếu. Trong buổi hội thảo, đại diện của một số trường đã trình bày tham luận hoặc đệ trình bài viết về một số chủ đề liên quan như hệ sinh thái giáo dục cho tương lai, giáo dục 4.0, đại học 4.0; phát triển giáo dục STEM ở THPT, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học… với những nỗ lực đúc kết từ cả trong và ngoài nước. Nhiều cách tiếp cận trong đó đang được áp dụng tại các trường thuộc khối ĐHQGHN.
Giáo dục sự sẵn sàng
Trong bối cảnh làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mà ngân hàng thế giới đã tư vấn rằng Việt Nam cần làm một cuộc “Đổi mới 4.0” để thay đổi mô hình kinh tế nhằm vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì rõ ràng, giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi tương ứng.
“Cái tốt nhất giáo dục nên hướng tới không phải là những sự kiện trước mắt mà là sự sẵn sàng chuẩn bị cho tương lai – bất kì một tương lai nào”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh tại hội thảo.
Diễn đàn kinh tế thế giới đã đưa ra 16 kỹ năng quan trọng mà học sinh, sinh viên cần chuẩn bị để sẵn sàng cho tương lai, trong đó nhóm năng lực học tập nền tảng là cơ sở và bắt buộc để giúp thúc đẩy các năng lực khác phát triển.
Vậy làm thế nào để có được sự sẵn sàng? Theo các nhà nghiên cứu tại Hội thảo, các nền giáo dục trên thế giới hiện nay đều phải trả lời 2 câu hỏi quan trọng: Người học cần có những phẩm chất và năng lực gì để ứng phó với thị trường lao động biến đổi nhanh và bất thường như hiện nay, và các hệ thống giáo dục phải làm gì để người học có được những phẩm chất và năng lực đó.
Về vấn đề này, theo TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã đưa ra những câu trả lời rất tốt mà mọi chính phủ nên tham chiếu vào (Xem:
16 kỹ năng cho thế kỷ 21). Nếu lấy đó là quy chiếu thì điểm mạnh của giáo dục Việt Nam là cũng đã xây dựng được những hệ tiêu chí về năng lực người học và đề cập đầy đủ các lĩnh vực tương ứng trong NQ29, nhưng điểm yếu là chúng ta chưa thực hiện được đồng bộ các lĩnh vực đó.
“Chúng ta không cần phải tìm kiếm các ý tưởng mới [về định hướng chiến lược] cho giáo dục vì mọi thứ đều đã có đủ [trong NQ29], điều quan trọng là chúng ta sẽ cụ thể hóa nó đến mức nào”, ông Tiến nói.