Tối 7/1/ 2017, tại Hà Nội, Bộ GD- ĐT, Bộ KH&CN phối hợp tổ chức Lễ trao giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” năm 2016. Hai nhóm sinh viên của trường đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên đã được vinh danh với 1 Giải Nhì, 1 Giải Khuyến khích.
Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” được tổ chức 2 năm một lần, dành cho sinh viên các trường đại học trong cả nước. Năm 2016, tổng số có 279 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên thuộc 6 lĩnh vực khoa học và công nghệ gồm các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, kỹ thuật công nghệ, y dược, nông nghiệp và nhân văn tham gia xét giải. Đây là những đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ hàng nghìn đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ở 74 trường đại học, học viện trong cả nước. Qua 2 vòng đánh giá (sơ khảo và chung khảo), với sự tham gia của gần 200 lượt giám khảo là các nhà khoa học có uy tín, đã làm việc rất khách quan, có trách nhiệm và đánh giá chính xác, lựa chọn được những sinh viên thực sự xứng đáng để trao giải. Các Hội đồng đánh giá đã xét chọn được 8 đề tài đạt giải Nhất, 38 đề tài đạt giải Nhì và 66 đề tài đạt giải Ba. Theo đánh giá của các chuyên gia, giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016 đã quy tụ được nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có tính mới, tính sáng tạo, có nội dung phong phú và một số đề tài có khả năng triển khai ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Một số đề tài đã đề cập những vấn đề thời sự mà xã hội rất quan tâm.
Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên gửi 02 đề tài tham gia xét giải, kết quả cả hai đề tài đều đạt giải thưởng, trong đó đề tài: “Nghiên cứu chế tạo nguồn plasma DBD ở áp suất khí quyển định hướng ứng dụng trong y-sinh” (do nhóm sinh viên khoa Vật Lý Đỗ Thị Ngân và Nguyễn Trường Sơn thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Văn Hảo) đạt giải Nhì. Đề tài: “Đánh giá hiện trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hiệu quả của giải pháp sử dụng bẫy sinh học trong canh tác chè tại vùng chè đặc sản Tân Cương” (do nhóm sinh viên Đỗ Thị Kim Liên, Phạm Thị Quyên thực hiện dưới sự hướng dẫn của TS. Ngô Văn Giới) đạt giải Khuyến khích.
TS. Nguyễn Văn Hảo và nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học với đề tài đạt giải Nhì
Tham gia xét giải thưởng SVNCKH năm nay, toàn đại học Thái Nguyên chỉ có 02 đề tài được lọt vào vòng chung khảo ( 01 đề tài của ĐH Khoa học, 01 đề tài của ĐHSP), và 01 giải Ba ( ĐH Nông Lâm), 03 giải Khuyến khích ( ĐH Khoa Học, ĐH Nông Lâm, ĐH Sư Phạm). Đề tài “Nghiên cứu chế tạo nguồn plasma DBD ở áp suất khí quyển định hướng ứng dụng trong y-sinh” của nhóm sinh viên Đỗ Thị Ngân và Nguyễn Trường Sơn (ĐH Khoa học) thực hiện dưới sự chỉ bảo nhiệt tình của TS. Nguyễn Văn Hảo đã thu được kết quả rất khả quan và là một trong số không nhiều những đề tài được các chuyên gia đánh giá cao ở khả năng ứng dụng thực tiễn, và đã lôi cuốn được nhiều người chú ý.
SV Đỗ Thị Ngân trình bày các kết quả của đề tài trước hội đồng
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng nghe SV. Nguyễn Trường Sơn thuyết minh về sản phẩm của đề tài đạt giải Nhì
Các bạn sinh viên quan tâm đến sản phẩm đề tài của nhóm nghiên cứu trường ĐHKH
Vật lý plasma là một ngành khoa học đã phát triển và có rất nhiều ứng dụng trong công nghiệp (thiết bị chiếu sáng, màn hình plasma, chế tạo chíp điện tử, công nghiệp sơn, dệt, giấy, kính...), trong nông nghiệp (bảo quản thực phẩm, kích thích hạt này mầm nhanh, xử lí thức ăn chăn nuôi...), trong xử lí môi trường (xử lí ô nhiễm các chất hữu cơ, xử lí rác thải ...), và đặc biệt trong Y-sinh học (điều trị các bệnh da liễu, các vết thương hở không cần dùng kháng sinh...). Trong một vài năm trở lại đây, trên thế giới Vật lý plasma (plasma y - sinh) là một hướng nghiên cứu mới được khai sinh và đang phát triển mạnh. Đây là một ngành khoa học liên ngành (Vật lý - Sinh học - Y học) có khả năng ứng dụng lớn nhưng không đòi hỏi trang thiết bị đắt tiền (so với ngành plasma ở áp suất thấp). Tuy nhiên, vật lý plasma lại là một ngành mới hình thành và phát triển ở Việt Nam. Dựa trên những phân tích khoa học, nhóm nghiên cứu đã chế tạo một nguồn plasma với kích thước nhỏ gọn, đơn giản, hoạt động ngay trong không khí thường và có giá thành thấp phù hợp cho các ứng dụng trong điều trị các vết thương hở rộng, các bệnh da liễu. Các nhà nghiên cứu trẻ mong muốn ứng dụng thiết bị plasma này trong y học, nên đã chế tạo nguồn plasma này với điện cực thả nổi FE-DBD (có nghĩa là sử dụng da, mô người như một điện cực).
Với kết quả trên, đây là lần thứ 3 trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên giành giải cao (giải Nhì) Giải thưởng “Sinh viên NCKH”. Các sinh viên thực hiện đề tài đạt giải nhất và nhì được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Sinh viên thực hiện đề tài đạt giải ba và khuyến khích được tặng Giấy khen của Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam – VIFOTEC.
Nhóm sinh viên trường Đại học Khoa học nhận bằng khen Bằng khen của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
“Sinh viên nghiên cứu khoa học” là giải thưởng dành cho sinh viên được tổ chức hằng năm với mục tiêu phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ trong các trường đại học, học viện trong cả nước. Qua hơn 25 năm tổ chức, giải thưởng đã thật sự trở thành một sân chơi khoa học lớn và có uy tín đối với sinh viên trong cả nước. Những thành tích đáng khích lệ trên sẽ là hạt nhân để nhân lên tinh thần tự tin, say mê, nhiệt tình nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên trường Đại học Khoa học nói riêng và toàn Đại học Thái Nguyên nói chung.
Đoàn cán bộ và SV ĐH Khoa học trước lễ trao giải thưởng SV NCKH năm 2016
Cao Hồng (Phòng KH-CN & HTQT)
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 32