Khoa học Việt Nam: Thừa ngân sách nhưng thiếu trăm bề
[ 17/05/2018 00:00 AM | Lượt xem: 1471 ]

Sáng 17/5 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Đây cũng là dịp để các nhà khoa học bày tỏ tâm tư nguyện vọng của mình với cơ quan quản lý Nhà nước.



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian trưng bày của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Nguồn: daibieunhandan.vn


Là những cơ quan nghiên cứu hàng đầu về khoa học trong cả nước, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay VAST đang chủ trì nhiều dự án như Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; dự án về công nghệ tế bào gốc phục vụ chữa bệnh; dự án Trung tâm giám định ADN hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chương trình xử lý đất nhiễm dioxide ở Biên Hòa bằng phân hủy sinh học, vaccine cúm A-H5N1,… Về phía khoa học xã hội, VASS đã thiết lập quan hệ hợp tác, trao đổi học thuật với 38 quốc gia, 162 tổ chức nghiên cứu, giáo dục quốc tế. Các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước do VASS thực hiện đã đưa ra những nhận thức mới về các vấn đề của thực tiễn đời sống dưới góc nhìn KHXH, đã lý giải các vấn đề thuộc về quy luật phát triển, từ đó đã đề xuất các kiến nghị về hoạch định chính sách và các kịch bản ứng phó với các vấn đề mới do quá trình phát triển đặt ra.

Cán bộ vẫn “nghèo” dù thừa ngân sách?

Để đạt được những kết quả này, các nhà khoa học Việt Nam đã phải vượt lên nhiều khó khăn. Vấn đề về đãi ngộ đối với cán bộ nghiên cứu vẫn luôn là chủ đề được các nhà khoa học ở cả hai viện nhắc đến. GS. Châu Văn Minh, chủ tịch VAST chia sẻ rằng VAST đang thiếu hụt các cán bộ khoa học đầu ngành do lứa các nhà khoa học vàng được đi đào tạo ở Liên Xô cũ đã đến tuổi về hưu, còn cán bộ trẻ lại khó thu hút do đãi ngộ không hấp dẫn. Ví dụ tiêu biểu như ở Viện Toán , biên chế của Viện đã nhiều năm nay không thay đổi bởi Viện đòi hỏi trình độ ứng viên cao nhưng lại không có cơ chế đãi ngộ tương xứng, hiện nay lương của nhiều cán bộ ở Viện Toán chưa tới 10 triệu VNĐ/tháng, theo GS. Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học. Còn mặt bằng chung tại VAST, lương cán bộ trẻ chỉ dao động trong khoảng 3 triệu rưỡi – 4 triệu rưỡi và không có các khoản tăng thêm, trong khi đó họ phải tích lũy từ 5 – 10 năm kinh nghiệm mới đủ năng lực để tham gia các đề tài dự án.


Trong khi đó, các đơn vị thuộc VASS thì lại gặp các vấn đề trong thu hút, đãi ngộ cán bộ nghiên cứu khoa học, theo GS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch VASS. Do vậy, ông kiến nghị rằng cần có những cơ chế đặc biệt, đặt tiêu chí chuyên môn lên hàng đầu khi bổ nhiệm, chứ không thể gò ép vào các tiêu chí hành chính.


Ngoài ra, rào cản về cơ sở vật chất cũng đang gây hạn chế lớn đối với công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khoa học tự nhiên. Hiện nay tại VAST, nhiều máy móc, hạ tầng kỹ thuật đã lỗi thời, thiếu thốn hoặc không đồng bộ đã gây ra những hạn chế không nhỏ cho công tác nghiên cứu khoa học.


Tuy nhiên, điều đáng nói là kinh phí dành cho khoa học và công nghệ là một trong hai khoản chi thường xuyên, chiếm đến 2% tổng ngân sách Nhà nước nhưng chưa năm nào giải ngân hết, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.


Lý giải cho điều này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng vướng mắc chủ yếulà do đầu tư công, vàbà yêu cầu Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội cần phải giám sát chuyên đề việc thực hiện chi cho nghiên cứu khoa học.Bàyêu cầucác bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định cho phù hợp với tình hình phát triển, nghiên cứu KH&CN, nhằm tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà khoa học cống hiến cho đất nước.


Thiên kiến và bất bình đẳng

Bên cạnh các nỗi lo về đãi ngộ cán bộ và cơ sở vật chất, thì nhiều nhà khoa học tại VASS lại quan tâm tớisự “lép vế” của khoa học xã hội so với khoa học tự nhiên, trong nhìn nhận của xã hội và cả các nhàquản lý. GS. Hồ Sĩ Quý – Nguyên viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội nhận xét dù có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của xã hội – “[kết quả] khoa học tự nhiên, công nghệ đôi khi có thể mua được [từ bên ngoài] nhưng khoa học xã hội Việt Nam thì không ai am tường bằng người Việt Nam”, thế nhưng điều đó ít được các nhà quản lý thấu hiểu. Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê, trưởng ban Quản lý khoa học của VASS chia sẻ thêmrằng,Việt Nam có các giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học nữ trong lĩnh vực tự nhiên nhưng lại không có giải thưởng nào cho nhà khoa học nữ trong lĩnh vực xã hội.


Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng đây là một vấn đề “không mới nhưng chưa được quan tâm đúng mức” và thừa nhận thực tế này trong xã hội. Bà cũng phát hiện rằng trong nhiều năm qua, lãnh đạo Bộ KH&CN chỉ xuất phát từ các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên chứ không phải khoa học xã hội. Điều này liên quan đến thói quen nhận thức – xem nhẹ vai trò của khoa học xã hội.


Tại buổi kỷ niệm, đại diện các nhà khoa học xã hội đều có chung quan điểm về việc cần tăng cường sự quan tâm hơn nữa đến các cán bộ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, thuộc VASSchia sẻ rằng nghề nghiên cứu khoa học đặc biệt vất vả đối với phụ nữ,Anchor thế nhưng các cơ chế bổ nhiệm hiện nay vẫn giống nhau ở cả hai giới. PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Lê cho rằng cán bộ nghiên cứu nữ phải thực hiện thiên chức làm mẹ và chỉ đến khoảng hơn 40 tuổi thì họ mới đạt độ chín cả về kinh nghiệm, trình độ và có thời gian để cống hiến, tuy nhiên chúng ta chưa có chính sách để khuyến khích phụ nữ quay trở lại với khoa học, đặc biệt là khoa học bậc cao, các nhà nữ trí thức nghỉ hưu sớm hơn nam trí thức dù họ vẫn còn khả năng cống hiến.


Lắng nghe và ghi nhận các ý kiến đóng góp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh quan điểm “hiền tài là nguyên khí của quốc gia” và khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với trí thức nói chung và trí thức là cán bộ nghiên cứu khoa học nói riêng. Bà cho biết sẽ bố trí đi thực tế một số đơn vị nghiên cứu và đề nghị được “đi đến chỗ đang yếu, đang thiếu” để hiểu và kịp thời có những hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.



Theo Tiasang.com.vn

Khoa
Vật lý & Công nghệ

(0208).3706.388
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 3