Marie Curie là một trong những nhà khoa học tiên phong nghiên cứu về chất phóng xạ. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất trên thế giới nhận giải thưởng Nobel ở hai lĩnh vực khác nhau, vật lý và hóa học.
Marie Curie, tên thật là Maria Salomea Sklodowski, sinh ra tại Warsaw, Ba Lan, vào ngày 7 tháng 11 năm 1867. Ngay từ nhỏ, bà đã thể hiện mình là một người có tố chất thông minh, ham học hỏi, luôn đạt thành tích suất xắc ở trường. Bi kịch xảy ra với gia đình của bà khi người cha mất việc, chị cả Sophia qua đời vì sốt phát ban nặng năm 1876. Hai năm sau, mẹ của bà cũng qua đời do mắc bệnh lao phổi, lúc đó bà chỉ mới 11 tuổi. Nhưng với sự nỗ lực và phấn đấu không ngừng, bà trở thành học sinh đầu tiên trong lớp tốt nghiệp trung học năm 15 tuổi.
Bà Marie Curie trong phòng thí nghiệm. Ảnh: History
Tuy nhiên, chặng đường học tập tiếp theo của Marie không hề suôn sẻ. Vào thời điểm đó, dưới sự cai trị của Nga, người dân Ba Lan bị cấm đọc và viết tiếng mẹ đẻ. Phụ nữ ở Ba Lan không được phép học đại học, bởi vì đó là nơi chỉ dành riêng cho nam giới. Không đầu hàng số phận, bà tham gia một “trường đại học lưu động” có tên Floating do một số trí thức Ba Lan yêu nước lập ra một cách bí mật.
Bà Marie và chị gái Bronya mơ ước đi du học Pháp để có được tấm bằng đại học chính thức, nhưng người cha không thể lo đủ tài chính cho các con. Vì vậy, bà Maria quyết định đi làm thêm để hỗ trợ Bronya theo học y khoa ở Pháp, với điều kiện chị gái giúp đỡ lại mình sau khi tốt nghiệp. Trong gần 5 năm, bà cần mẫn làm gia sư kiếm tiền. Thời gian rảnh, bà tiếp tục đọc thêm nhiều sách về vật lý, hóa học, toán học.
Bronya tốt nghiệp và trở thành bác sĩ, sau đó đón em gái của mình đến Pháp năm 1891. Để thực hiện mục tiêu trở thành nhà khoa học, Marie đăng ký vào trường Đại học Sorbonne ở thủ đô Paris. Lúc đầu bà lên kế hoạch sống cùng Bronya, nhưng sau đó quyết định thuê một căn hộ tồi tàn gần trường để có nhiều thời gian học tập. Do không có nhiều tiền, bà thường chỉ ăn bánh mì và uống trà. Đây là lý do khiến bà liên tục gặp các vấn đề sức khỏe như thiếu máu và hay bị ngất. Tuy nhiên, đó lại là những ngày tháng đẹp đẽ, đầy nhiệt huyết mà sau này bà viết trong cuốn tự truyện của mình: “Tôi sẽ luôn coi những năm tháng dành hết tâm trí cho việc học tập ấy là kỷ niệm đẹp nhất trong đời”. Mọi nỗ lực của bà Marie cuối cùng cũng được đền đáp. Bà nhận bằng thạc sĩ vật lý vào tháng 7 năm 1893, sau đó tiếp tục lấy bằng thứ hai về toán học năm 1894.
Đầu năm 1894, Marie nhận lời mời của Hội Doanh nghiệp Pháp nghiên cứu tính chất từ và thành phần hóa học của các loại thép. Khi đang tìm kiếm địa điểm thích hợp làm thí nghiệm, bà được người quen giới thiệu tới nhà vật lý người Pháp Pierre Curie – một nhà nghiên cứu xuất sắc đã phát minh ra nhiều dụng cụ đo từ trường và điện. Pierre sắp xếp một phòng thí nghiệm nhỏ cho bà Marie tại Trường Vật lý và Hóa học Công nghiệp thành phố Paris. Khoa học trở thành cầu nối tình cảm cho hai nhà nghiên cứu. Không lâu sau đó, họ cưới nhau và bà Marie bắt đầu được gọi bằng tên Marie Curie.
Phát hiện hai nguyên tố phóng xạ
Năm 1896, Marie sinh con gái đầu lòng và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ môn vật lý. Bà đã chọn hiện tượng phóng xạ của nguyên tố urani làm đề tài nghiên cứu. Trước đó, bà bị thu hút bởi việc phát hiện ra tia X của Wilhelm Roentgen cũng như báo cáo của Henri Becquerel về tia tương tự phát ra từ quặng urani. Sau khi tiến hành vô số thí nghiệm, bà nhận thấy những tác động của tia urani là không đổi ngay cả khi quặng uranium được xử lý theo nhiều cách khác nhau, và loại tia này xuất phát từ cấu trúc nguyên tử của nguyên tố. Bà Marie trở thành người đưa ra khái niệm phóng xạ để mô tả hiện tượng trên, đồng thời chỉ ra rằng nguyên tử không phải là thành phần nhỏ nhất của vật chất.
Trong những năm tiếp theo, Pierre tạm gác công việc của mình sang một bên để hỗ trợ vợ nghiên cứu phóng xạ. Họ phát hiện hai quặng chalcolite và pitchblende có tính phóng xạ cao hơn nhiều so với uranium nguyên chất. Bà Marie nghi ngờ những quặng này có thể chứa các nguyên tố phóng xạ chưa được biết đến. Việc xử lý và chế biến quặng là một công việc nặng nhọc. Bà Marie thường làm việc đến tận đêm khuya, khuấy những vạc khổng lồ bằng một thanh sắt lớn. Năm 1898, bà Marie tìm ra một nguyên tố phóng xạ mới có cường độ phóng xạ mạnh gấp 400 lần so với urani nguyên chất. Bà đặt tên cho nó là polonium, theo tên đất nước Ba Lan của mình. Ít lâu sau, hai vợ chồng Marie tiếp tục phát hiện một nguyên tố phóng xạ mới gọi là radium – tên gọi bắt nguồn từ tiếng Latinh “radius” nghĩa là “tia”.
Tháng 6/1903, bà Marie trở thành người phụ nữ châu Âu đầu tiên lấy bằng tiến sĩ vật lý. Tháng 11/1903, hai vợ chồng bà cùng với Henri Becquerel được trao giải Nobel Vật lý vì những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu về chất phóng xạ. Ban đầu bà Marie không nằm trong danh sách nhận giải vì là một phụ nữ. Ủy ban Nobel từng thảo luận với nhau về điều này: “Marie chỉ là người vợ thôi, chắc chắn không có đóng góp gì cả. Pierre là người thực hiện tất cả công việc”. Giải thưởng được trao cho cả hai sau khi Pierre lên tiếng đòi lại danh dự cho vợ.
Năm 1906, Pierre qua đời vì bị một chiếc xe ngựa đè lên khi đang đi trên phố. Marie nói về nỗi mất mát này: “Không thể diễn tả được nỗi đau và những khủng hoảng trong cuộc đời khi tôi mất đi người đồng hành tốt nhất và người bạn thân thiết nhất. Tôi cảm giác không thể đối mặt với tương lai, nhưng tôi phải tiếp tục công việc của mình bất kể điều gì xảy ra”. Sau đó, Marie bắt đầu sự nghiệp giảng dạy tại Đại học Sorbonne và trở thành nữ giáo sư đầu tiên của ngôi trường này.
Năm 1911, Marie được trao giải Nobel lần thứ hai trong lĩnh vực hóa học vì đã khám phá ra hai nguyên tố polonium và radium. Suốt phần đời còn lại, bà tiếp tục cống hiến hết mình cho khoa học. Bà thành lập Viện Radium, nghiên cứu áp dụng X-quang và xạ trị chống lại căn bệnh ung thư. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Marie chế tạo hơn 200 thiết bị chụp X-quang cầm tay để hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật cho hơn một triệu binh lính bị thương trên chiến trường.
Những năm tháng miệt mài làm việc và nghiên cứu các chất phóng xạ trong phòng thí nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà Marie. Bà thậm chí còn để một mẫu radium phát sáng trên giường vào ban đêm làm đèn ngủ. Bà qua đời ngày 4/7/1934 với chẩn đoán bị thiếu máu và ung thư bạch cầu, có thể do tiếp xúc với bức xạ trong thời gian dài.
Theo khoahocphatrien.vn