Thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết 37), với vai trò là đại học vùng, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và tư vấn chính sách cho các tỉnh vùng phên dậu của Tổ quốc.
Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học
ĐHTN có bảytrường đại học thành viên, gồm: Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm, Trường ĐH Y Dược; Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học; hai khoa trực thuộc (Khoa Ngoại ngữ và Khoa Quốc tế), một trường cao đẳng, một Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, ba viện nghiên cứu, một bệnh viện thực hành, một nhà xuất bản và năm trung tâm. Đội ngũ có 4.146 người, trong đó có 2.621 giảng viên, 154 giáo sư, phó giáo sư, 712 tiến sĩ, 2.181 thạc sĩ. Đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao ở tất cả các lĩnh vực: Nông- lâm nghiệp, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế. ĐHTN đang đào tạo 282 ngành, trong đó 32 ngành tiến sĩ, 60 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa, 141 ngành đại học và 25 ngành cao đẳng ở hầu hết các lĩnh vực (trừ lĩnh vực ngoại giao, an ninh - quốc phòng) và là một trong ba trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Cán bộ, sinh viên của Đại học Thái Nguyên trước khuôn viên của Đại học
15 năm thực hiện Nghị quyết số 37, ĐHTN đã đào tạo (tốt nghiệp và cấp bằng) cho gần 200 nghìn cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học, trong đó có 13.618 cán bộ có trình độ thạc sĩ, 268 cán bộ có trình độ tiến sĩ, 2.560 bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú. Số sinh viên hệ cử tuyển là 795 người, 440 lưu học sinh nước ngoài tốt nghiệp đại học và 146 người tốt nghiệp thạc sĩ. Sau một năm tốt nghiệp, tỷ lệ có việc làm của sinh viên đạt trên 80%, một số ngành đào tạo của các trường đạt tỷ lệ 100%. Thực hiện Nghị quyết 37, ĐHTN đã thực hiện 3.577 đề tài các cấp, trong đó có 54 đề tài độc lập cấp Nhà nước, 71 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 341 đề tài cấp Bộ, ngành khác, 17 đề tài của quỹ Nafosted. ĐHTN luôn chú trọng và ưu tiên công tác chuyển giao tiến bộ khoa học đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, cụ thể là đã có 166 đề tài trực tiếp gắn với các địa phương với tổng kinh phí thực hiện là 190 tỷ đồng, trong đó có 43 đề tài thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội (24,5 tỷ đồng); 116 đề tài thuộc lĩnh vực nông- lâm nghiệp, y dược (134,3 tỷ đồng); bảy đề tài thuộc lĩnh vực tự nhiên, kỹ thuật (30,7 tỷ đồng).Mỗi năm, các nhà khoa học của ĐHTN có 1000 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học; đặc biệt số lượng bài quốc tế trong danh mục ISI và Scopus tăng lên đáng kể, năm 2015 có 43 bài, năm 2017 có 133 bài, năm 2018 có 167 bài.
Lãnh đạo ĐHTN giới thiệu các sản phẩm khoa học của Đại học với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Gắn nghiên cứu với thực tiễn nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong khu vực, những năm gần đây ĐHTN đã hợp tác toàn diện với 14 tỉnh, ký hàng trăm hợp đồng chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu là, Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với tỉnh Thái Nguyên, kinh phí dự kiến là 100 tỷ đồng, trong đó đã và đang triển khai sáu đề tài, nhiệm vụ với kinh phí gần 90 tỷ đồng; tiếp tục ký Chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và phát triển KHCN với tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2018- 2023 với nhiều đề tài thuộc các lĩnh vực giáo dục, nông- lâm nghiệp, y tế, văn hóa, du lịch... Thực hiện Chương trình KH&CN cấp Bộ với sáu nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn gen của một số loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao tại tỉnh Hà Giang. Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống năng lượng mặt trời hòa lưới ứng dụng phù hợp cho cơ quan công sở, trường học, doanh nghiệp. Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống máy chế biến thức ăn dự trữ cho đại gia súc và dây chuyển sản xuất viên nén sinh khối tại vùng Tây Bắc. Thực hiện sáu nhiệm vụ, đề tài giải quyết các nội dung liên quan trực tiếp đến công tác dân tộc của Nhà nước và Uỷ ban Dân tộc.
Nghiên cứu và tư vấn chính sách
Những năm qua, ĐHTN đã có những đóng góp quan trọng vào tư vấn và phản biện chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể là, Ban Kinh tế Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá và phản biện các chính sách trong 30 năm đổi mới( 1986- 2016); Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ đánh giá các chính sách về kinh tế y tế giai đoạn 1986- 2016; tham gia góp ý sửa đổi Dự thảo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học; chủ trì xây dựng đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học sư phạm của cả nước; thực hiện đề án nghiên cứu luận cứ khoa học đề xuất khâu đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2020- 2025; đã thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành để đánh giá và đề xuất các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngôn ngữ, dân tộc của vùng; tổ chức hàng chục hội thảo chuyên đề về phát triển chính sách, các mô hình phát triển kinh tế- xã hội, tư vấn các vấn đề về chính sách đất đai, việc làm cho người nghèo, các vấn đề xã hội khác được quan tâm... Phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức Hội thảo quốc tế về giảm nghèo bền vững, trong đó tư vấn các chính sách trong chiến lược xóa đói giảm nghèo cho Chính phủ; đang tư vấn chính sách và chiến lược phát triển kinh tế- xã hội cho hầu hết các tỉnh trong vùng.
Lãnh đạo ĐHTN làm việc với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tháng 10 - 2018Để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37 của Tỉnh ủy Thái Nguyên (ngày 20/6) nêu rõ hạn chế:Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; ứng dụng KHCN còn hạn chế; tỉ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo, nhất là nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao chưa đạt mục tiêu đề ra.
Để phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, trong thời gian tới cần thiết phải thay đổi cách tư duy từ tiếp cận hành chính sang cách tiếp cận địa - chính trị, đó là tiếp cận liên vùng. Với cách tiếp cận này, sẽ giải quyết được các vấn đề về cơ sở hạ tầng (giao thông, môi trường, kinh tế)… Trong đó, vấn đề cốt yếu đó là nguồn lực con người.
Nghị quyết số 19 – NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung Ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, về nhiệm vụ và giải pháp, tại mục 2.1: Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghị quyết nêu rõ: “Sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết tỉnh nào cũng có trường đại học… Nhà nước tập trung đầu tư chiều sâu, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các trường đại học công lập ở một số lĩnh vực mang tầm cỡ khu vực và quốc tế”. Bên cạnh đó, Chính phủ chuẩn bị phê duyệt hai Đề án “Sắp xếp mạng lưới các trường sư phạm”và“Quy hoạch mạng lưới các trường đại học Việt Nam giai đoạn 2025, tầm nhìn 2035”. Trước thực trạng dàn trải và chất lượng thấp hiện nay của gần 30 trường đại học, cao đẳng trong khu vực thì việc đầu tư tập trung cho ĐHTN – cơ sở giáo dục đại học trọng điểm đa ngành với cụm tám trường ĐH và CĐ đã được kiểm định chất lượng là điều rất cần thiết, hoàn toàn phù hợp với Điều 7 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi “Đại học quốc gia, đại học vùng là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”.
Với 154 giáo sư, phó giáo sư, hơn 700 tiến sĩ (thời gian tới sẽ tiếp tục tăng lên) và hơn 2.000 thạc sĩ, ĐHTN hoàn toàn có đủ tiềm năng để đảm nhận các chương trình nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật lớn do Chính phủ và các địa phương giao. Điều này có thể được minh chứng qua việc triển khai ứng dụng chuyển giao KHCN vào sản xuất cho 15 tỉnh miền núi phía bắc, nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trên các lĩnh vực: Nông – lâm - ngư nghiệp; công nghiệp, kĩ thuật, y tế - giáo dục và các nghiên cứu tư vấn chính sách có hiệu quả. Bên cạnh đó, ĐHTN đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các địa phương chiếm tỉ trọng lớn và đã gắn kết đào tạo với nghiên cứu và chuyển giao khoa học, do vậy khi triển khai các chương trình rất phù hợp với từng vùng. Đặc biệt, với địa thế vùng miền, ĐHTN có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để đào tạo cán bộ là người dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 37 “Tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho các cấp, các địa phương trong vùng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó đặc biệt ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, cán bộ là người dân tộc thiểu số theo Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX”. Đồng thời, việc triển khai thành công nhiều chương trình, dự án của nhiều tổ chức quốc tế và được Ngân hàng thế giới đánh giá cao cũng là một trong những lợi thế của ĐHTN trong việc đảm nhiệm các nhiệm vụ mang yếu tố quốc tế.
Lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm giới thiệu các sản phẩm khoa học của nhà trường với các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Thái Nguyên.
ĐHTN là trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ lớn thứ ba của đất nước, tỉnh Thái Nguyên cũng đã được xác định là trung tâm phát triển của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với lợi thế địa - chính trị quan trọng có sứ mạng dẫn dắt liên vùng. Do vậy, trong những năm tới, để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ rất cần hội tụ ba điểm cơ bản trong chiến lược của các tỉnh và vùng, đó là: Tiếp cận liên vùng tựa vào nền tảng nhân lực chất lượng cao; Chất lượng của các chính sách phải căn cứ vào tư duy khoa học hiện đại và thực tiễn; Trường đại học với sức sáng tạo phải là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của chiến lược phát triển bền vững của vùng và đất nước.
Với những thành tích đã đạt được, ĐHTN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì nhân dịp tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển (04/4/1994 – 04/4/2019)
Tại Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết HNTW 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã nêu: “Từng bước phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Xây dựng các tiêu chí, tập trung đầu tư cho một số trường đại học trọng điểm, nhất là các đại học quốc gia và đại học vùng trở thành những cơ sở giáo dục đại học có uy tín trong khu vực và thế giới”... Chiến lược phát triển vùng phải gắn với phát triển giáo dục đại học.
GS.TS. Phạm Hồng Quang
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy
Giám đốc Đại học Thái Nguyên
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 4