Cơ hội phát triển liên ngành của Vật lý trong tương lai
[ 27/07/2016 00:00 AM | Lượt xem: 1057 ]

Chọn một nghề nghĩa là chọn cho mình một tương lai! Trong xu thế thời đại mới, Kỹ thuật y học hiện đang là một lĩnh vực nổi bật thu hút sự quan tâm của thế giới. Đây là một lĩnh vực đa ngành, những phát minh vật lý và những kỹ thuật tiên tiến nhất được ứng dụng vào việc tạo ra các phương pháp nghiên cứu và thiết bị phục vụ cho sức khỏe cũng như giúp hiểu biết sâu hơn về các tiến trình sinh học của con người. Những sản phẩm của ngành này rất phong phú, bao gồm máy CT-scanner, X-quang, điện tâm đồ, nội soi, bộ phận nhân tạo trong cơ thể người, vật liệu sinh học, chụp cộng hưởng từ hạt nhân...


Để vận hành những thiết bị tiên tiến như trên đòi hỏi phải có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản có tính liên ngành về vật lý, kỹ thuật, y học, sinh học và vật lý là nền tảng để hiểu rõ vấn đề cần nghiên cứu, kỹ thuật là phương tiện để ứng dụng các phát minh, sinh học chỉ ra cơ chế tương tác giữa các tác nhân bên ngoài và cơ thể sống và y học là mục đích cần hướng đến.


Một số thống kê:


Theo Cục Khoa học công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, hiện nay ở nước ta chưa có cơ sở đào tạo ngành Vật lý y khoa, đội ngũ cán bộ Vật lý y khoa tại các bệnh viện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Bộ Y tế ủng hộ các trường đào tạo ngành này, và nên xây dựng chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế, kết hợp với bệnh viện để sinh viên thực hành lâm sàng.


Thống kê năm 2013 của Cục An toàn bức xạ cho thấy Việt Nam có 23 khoa xạ trị, 3.642 cơ sở X-quang y tế với trên 6.000 máy X-quang, 30 khoa y học hạt nhân sử dụng chất phóng xạ để chẩn đoán và điều trị.


Theo thống kê, 8 năm qua, cả nước có khoảng 150.000 ca ung thư mới/năm và dự báo đến năm 2020 có khoảng 230.000 ca ung thư mới/năm. Theo tiêu chuẩn, cứ 1 kỹ sư vật lý y khoa/ 70 bệnh nhân thì cả nước cần khoảng 3.300 kỹ sư phục vụ bệnh nhân. Trong khi đó, hiện tại ở Việt Nam, số lượng kỹ sư vật lý y khoa được đào tạo quá ít, thậm chí chưa có chuyên gia trong lĩnh vực này.


Theo hiệp hội vật lý y khoa Mỹ (America Ascociation of Physics in Medicine) thì để trở thành một nhà vật lý y khoa có trình độ chuyên môn, đòi hỏi phải có đủ khả năng để hoạt động một cách độc lập trong một hay nhiều chuyên ngành riêng biệt của vật lý y khoa. Người đó phải được công nhận, có chỉ số giáo dục vật lý y khoa liên tục để chứng minh năng lực của mình.


Ngoài ra, người này cần phải được đào tạo và nắm rõ các quy tắc vật lý trong sử dụng các thiết bị và dụng cụ. Đồng thời, phải hiểu rõ các quy định về luật pháp và các đặc tính kỹ thuật của thiết bị cũng như giới hạn vật lý của các thiết bị theo quy định chuẩn và các thuật toán vi tính.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy Vật lý y khoa ở Việt Nam chưa thật sự được chú trọng xây dựng hệ thống đào tạo các kỹ sư chuyên môn và được cấp chứng chỉ hành nghề. Nhiều kỹ sư đang làm tại các bệnh viện cho rằng bản thân là kỹ sư Vật lý y khoa nhưng trong tay không có giấy công nhận là nhà vật lý y khoa hay chưa từng được cấp giấy chứng chỉ hành nghề như ở nước ngoài. Một số trường lớn trên thế giới đã phát triển đào tạo ngành này rất mạnh mẽ, như; Ecole Polytechnique Fédérale de Lausanne (EPFL)-Cộng hòa Pháp.


Trước nhu cầu này, các chuyên gia đã kiến nghị cần có chính sách cụ thể để tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vật lý y khoa, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đồng thời đảm bảo an toàn trong ứng dụng bức xạ trong y tế.


Từ các số liệu trên cho chúng ta thấy, nhu cầu về việc làm ngành Vật lý y khoa là rất lớn. Để trở thành một cử nhân / kỹ sư Vật lý y khoa người học cần trang bị những kiến thức nền tảng vững chắc về vật lý, điện tử, tin học cùng với các kiến thức cơ bản về sinh học và y học.



Cùng với kiến thức chuyên môn (Vật lý y sinh học, kỹ thuật vi xử lý, lý thuyết tín hiệu, hóa sinh, giải phẫu cơ thể người, sinh lý người, hệ thống thiết bị vật lý trị liệu, hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh, hệ thống thiết bị xét nghiệm, hệ thống hồi sức cấp cứu, hệ thống chẩn đoán chức năng …), kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng nhu cầu thực tế xã hội. Sinh viên của ngành Vật lý y khoa dễ dàng nhận được việc làm như sau:


- Cán bộ kỹ thuật tại bệnh viện: chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa các trang thiết bị y tế thông dụng.

- Cán bộ kỹ thuật tại công ty, nhà máy: tham gia lắp đặt, sửa chữa, bảo hành thiết bị y tế, tham gia tư vấn, bán hàng.

- Làm chuyên viên kỹ thuật tại các sở y tế, bệnh viện, viện nghiên cứu.

-Theo nhu cầu của các cơ sở có khả năng tham gia vào việc quản lý thiết bị y tế, tư vấn, kinh doanh, kiểm định chất lượng thiết bị y tế.


Đây đúng là một ngành học mới đầy hứa hẹn mở ra một tương lai tươi sáng cho ngành vật lý/ vật lý y khoa.


Tin bài: Nguyễn Văn Hảo


Khoa
Vật lý & Công nghệ

(0208).3706.388
Loading the player ...

Liên kết website

Thống kê website

Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 1