Bẵng đi mấy tuần kể từ ngày khai giảng, tôi mới có dịp ghé qua nhà hỏi han tình hình đứa em họ đang học một trường cao đẳng tạm gọi là khá ở Hà Nội. Căn phòng trọ mươi mét vuông điển hình của giới sinh viên nghèo, cấu hình đơn giản gồm một bàn học và cái giường ngủ chung; có khá hơn lứa sinh viên những năm đầu thập kỉ trước là cái tủ lạnh cũ do gia chủ cho mượn tạm và đường truyền Internet. Như nhiều sinh viên khác, cậu em không cần sắm cho mình một tủ sách vì “chẳng cần đọc sách, cũng chẳng thích đọc”, rất điển hình của thế hệ @, mọi việc cần cứ gọi Google là xong hết.
Hỏi han chuyện học hành, thấy cu cậu có vẻ khoái lắm. Háo hức làm bài, háo hức nộp bài và lo lắng chờ báo điểm. Có vẻ cậu đã hòa nhập nhanh với môi trường sau phổ thông. Lúc dẫn cu cậu vào trường, cái tôi lo nhất là cậu không thích học; giờ thì đỡ được khoản ấy. Nhưng hỏi kĩ lại đâm lo mối khác. Trong ba-lô in hình logo rất đẹp của trường, cậu để ở đấy phần lớn gia tài của mình gồm một chiếc bút, cái máy tính xách tay bố mới mua cho và ba quyển vở ô li còn thừa từ hồi học phổ thông chưa dùng hết. Sách giáo trình rất đẹp mua của trường thì bỏ chỏng chơ trên giường. Hỏi sao không đọc, cậu bảo “thông tin có hết trên slide”, sách chứa toàn cái biết rồi. Giật mình, tưởng cậu em giỏi quá, vào nhầm trường. Mở sách ra kiểm tra đôi chút hóa không phải, cậu chẳng thể phân biệt nổi mấy khái niệm cơ bản vừa học xong. Nhưng điều đó rõ ràng là không hệ trọng đối với cậu, vì mọi thông tin để làm bài quiz có hết trong slide rồi. Rõ là đọc slide ngắn hơn và dễ chịu hơn nhiều so với đọc sách. Mở vở ra thì thấy lơ thơ vài dòng chữ. Hỏi “còn ghi chép thêm gì lên máy không”, đáp “không, cần gì, mở slide ra là có hết rồi, chép lại làm gì”. Hóa ra cu cậu không biết cách ghi chép, không biết cách tổ chức thông tin, cũng không biết cách đọc, hay nói nôm na đại khái là: không biết cách học. Tôi bắt đầu lo, nhưng không chỉ cho riêng cậu em, mà lo cả cho trường cao đẳng mà tôi đã đặt niềm tin vào đấy.
Phòng trọ của đa số SV Việt Nam
Ở môi trường cao đẳng – đại học, chúng ta mặc nhiên thừa nhận “sinh viên phải tự học” như là cái hiển nhiên phải thế. Các thầy cô giáo cũng thường xuyên nhắc nhở sinh viên phải tự học. Lời nhắc nhở thì không sai, nhưng công tác giáo dục chỉ dừng ở chỗ ấy thì lại có vấn đề. Vì cách nghĩ ấy thừa nhận khả năng tự học ở sinh viên là đã có sẵn, đã “đủ dùng”, trong khi thực tế lại không được như vậy. Tự học là một quá trình, năng lực tự học phải do rèn luyện mà có chứ không tự nhiên thành. Khổ thân em tôi, chưa kịp học bơi mà đã bị nhà trường quẳng hẳn ra giữa dòng nước xiết!
Trong giáo dục hiện đại, vấn đề tự học được quan tâm không phải là ít. Tổ chức P21 (Partnership for 21st Century Skills[1]) thậm chí còn gom kĩ năng học tập và sáng tạo là một trong bốn nhóm kĩ năng cơ bản không thể thiếu của công dân thế kỉ 21. Còn các nhà sư phạm thì từ lâu đã nghiên cứu và ứng dụng khái niệm về siêu nhận thức (metacognition) – là những hiểu biết và kĩ năng để làm chủ việc học của chính mình, nói nôm na là biết cách học. Theo Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Hoa kì (2010), việc tích hợp các kĩ năng siêu nhận thức vào trong chương trình học là một việc quan trọng để đảm bảo tính hiệu quả của công tác giảng dạy [2]. Với việc sở hữu năng lực siêu nhận thức, sinh viên biết được năng lực của mình giới hạn đến đâu, nhiệm vụ học tập nào là phức tạp hay đơn giản, và có thể biết được năng lực của mình về vận dụng các chiến lược học tập khác nhau. Bên cạnh nỗ lực của chính sinh viên để tự mình phát triển năng lực này ở bản thân, tìm ra cho mình được cách học hiệu quả nhất, người thầy hoặc nhà trường phải đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc trực tiếp có các chương trình đào tạo kĩ năng tự học, hoặc tích hợp các kĩ năng này vào trong từng môn học cụ thể với những biện pháp thực hành đặc thù. Được như vậy thì nhà trường có thể yêu cầu sinh viên tự học mà không khiến các em phải “bơi” quá sức mình, dễ “chết đuối” hoặc bỏ cuộc giữa chừng.
Albert Einstein cũng từng nói: “Giá trị của giáo dục đại học không phải ở việc học nhiều sự kiện, mà là luyện cho trí óc suy nghĩ”. Mục tiêu đó, giá trị đó khó lòng đạt được nếu học sinh, sinh viên không biết tự học.
Chúng ta đã thống nhất giả sử lên đại học sinh viên phải tự học là chính. Thế thì, nếu ví tri thức như cá, tự học là cái cần câu, và người học là người đi câu, thì điều hết sức quan trọng không phải là tìm mọi cách hay dùng thật nhiều công nghệ tân tiến để nhồi tri thức vào đầu học sinh, mà phải trang bị cho sinh viên cái cần câu thật tốt. Người thầy và nhà trường cần dạy cho sinh viên học cách học trước đã.
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 1