Hiện nay các trường đại học và cao đẳng đang bận rộn thiết kế các chương trình dành riêng cho những sinh viên muốn học cách khởi nghiệp – thực ra, nhu cầu theo học các lớp dạy khởi nghiệp đang lên cao và ngày càng trở thành một chương trình học bắt buộc đối với bất kỳ trường học xuất sắc nào.
Theo Scott Petersen, giám đốc quản lý Trung tâm Doanh nhân và Công nghệ của Trường Đại học Brigham Young, sinh viên ngày nay dù vẫn ngồi trên ghế nhà trường nhưng đã bắt đầu nghĩ đến cuộc sống sau khi tốt nghiệp, và họ cho rằng các kỹ năng khởi nghiệp sẽ giúp ích được mình trên bất kỳ con đường sự nghiệp nào mà họ sẽ theo đuổi. Ông nói: “Nguồn gốc của hiện tượng mới này xuất phát từ những hệ quả của sự sụp đổ nền kinh tế trong giai đoạn 2008-2009, khiến nhiều người trong suốt thời gian dài vẫn không thể tìm được việc làm thích hợp.” Cũng theo Peterson, những trường học nào hiện chưa có các chương trình khởi nghiệp chẳng sớm thì muộn cũng sẽ cảm nhận được áp lực phải phát triển các chương trình này.
Tạp chí Forbes đã liên hệ với một số nhà giáo dục đang tham gia giảng dạy các kỹ năng khởi nghiệp cơ bản tại các trường học ở Mỹ và hỏi họ đâu là những điều mà các nhà khởi nghiệp cần phải học để có thể thành công trên thương trường. Và dưới đây là các câu trả lời của họ …
Suy nghĩ như một doanh nhân
Kiếm tiền đồng nghĩa với việc xác định một thị trường mục tiêu – và chương trình dạy khởi nghiệp ở Brigham Young dạy điều đó trước tiên. Peterson cho biết: “Các sinh viên phải học cách quan sát và đánh giá những gì người ta đang làm trên thị trường để nhìn ra những “kẽ hở” và khoảng trống trong các sản phẩm/dịch vụ đó. Họ sẽ làm gì để sáng tạo và thay đổi và đưa ra sản phẩm/dịch vụ độc đáo và riêng biệt?”
Melissa Crounse, quản lý chương trình khởi nghiệp ở Trung tâm The Garage mới mở tại Trường Đại học Northwestern, nói: “Tôi thực lòng tin rằng bất luận những sinh viên theo học khóa này sẽ làm gì trong tương lai – bác sĩ, luật sư, giáo viên hay nhà báo – thì những kỹ năng mà họ học được ở đây, như kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo, kỹ năng trình bày ý tưởng hay kỹ năng hành động, đều sẽ giúp ích rất nhiều cho họ. Thực ra, tất cả đều là những kỹ năng thiết yếu của tương lai.”
Crounse đến với The Garage cùng với 10 năm kinh nghiệm trên Thung lũng Silicon, nơi bà từng làm việc trong những tổ chức như IBM, Google, YouTube và Brit + Co.; sau đó, bà trở thành người đồng sáng lập một startup chuyên sáng tạo nội dung là Storylark. Tại The Garage, với khuôn viên hơn 1.000m2, sinh viên được tiếp xúc với môi trường làm việc, các trang thiết bị văn phòng, không gian làm việc nhóm, mô hình phần mềm, máy in 3D, và thậm chí được phục vụ cả bữa ăn nhẹ nữa. Crounse nói: “Về cơ bản, đó là một môi trường khuyến khích sự hợp tác. Chúng tôi muốn tạo cho các sinh viên một ấn tượng rằng ở đây họ có thể mày mò thử nghiệm một ý tưởng mới hay xây dựng một mô hình phần mềm, và dù họ làm hỏng cũng không sao.”
Lựa chọn đối tác
Theo Crounse, tuyển dụng lao động và tìm kiếm người đồng sáng lập sẽ là hai trong số các quyết định quan trọng nhất mà một doanh nhân phải thực hiện. Bà nói: “Tôi cho rằng việc lựa chọn người đồng sáng lập cũng quan trọng hệt như việc chọn bạn đời vậy. Đây chính là người sẽ có một thời gian lớn ở bên cạnh bạn, cùng bạn xây dựng doanh nghiệp – bạn sẽ dùng chung tài khoản ngân hàng với người đó nữa. Các bạn sẽ trải qua những ngày tháng thăng trầm bên nhau, nên việc lựa chọn đúng người là điều rất hệ trọng. Tôi không chắc là ai cũng hiểu được như vậy đâu.”
Học cách “rao hàng”
Pitching (rao hàng) là một phần quan trọng trong việc truyền đạt ý tưởng khởi nghiệp của bạn cũng như khi bạn xin vốn đầu ta. Theo Crounse, các doanh nhân trẻ tiềm năng cần phải học cách “rao hàng” hiệu quả, và muốn hiệu quả thì cần phải có sự súc tích. Bà cho hay: “Thường thì khi tập trung nghĩ tới việc thành lập doanh nghiệp hay nghĩ tới một ý tưởng nào đó, anh sẽ phải nghĩ tới từng chi tiết nhỏ nên khi trình bày với người khác anh dễ sa đà vào tiểu tiết.”
Sự khác biệt giữa Ý tưởng và Cơ hội
Đó là một sự khác biệt quan trọng, và là điều mà các doanh nhân cần phải hiểu từ sớm. Giáo sư Caroline Daniels của Trường Đại học Babson, trường được The Princeton Review bình chọn là trường có chương trình dạy khởi nghiệp cho sinh viên tốt nhất năm ngoái, cho biết: “Rất nhiều người có ý tưởng kinh doanh. Nhưng cái mà chúng tôi dạy sinh viên ở đây là, để một cơ hội trở nên khả thi thì phải có cấu trúc rõ ràng xét trên nhiều góc độ như: Có thị trường cho sản phẩm/dịch vụ đó không? Ai sẽ là khách hàng của họ? Họ có thể mang lại điều gì có giá trị cho khách hàng không?”
Theo chương trình của Trường Đại học Babson, sinh viên sẽ theo học khóa Các Nền tảng Quản trị và Doanh nghiệp, trong đó họ có thể thành lập nhóm làm việc và cùng xây dựng nên các công ty nhỏ. Mỗi nhóm sẽ được cấp 3.000 – 3.500 USD (số tiền này sẽ được hoàn trả lại sau khi kết thúc khóa học) để thành lập công ty. Lợi nhuận thu được sẽ được chuyển cho các quỹ từ thiện, còn sinh viên giữ lại những kinh nghiệm vô giá.
Điều bạn quan tâm đến
Giáo sư Danielsnói: “Thế hệ 8X, 9X rất quan tâm tới việc tạo ra giá trị xã hội. Nói cách khác, điều họ băn khoăn là: Đâu là sản phẩm/dịch vụ mà tôi sẽ cung cấp và liệu nó có thực sự mang lại giá trị hay không?” Trong quy trình tư duy này, các doanh nhân trẻ cũng thấy rằng họ còn băn khoăn cả tới chuyện liệu sản phẩm của mình có tác động gì tới khách hàng không, hay đôi khi là sản phẩm đó có tác động gì tới môi trường không. Khi coi khởi nghiệp là một sứ mệnh vượt lên trên việc kiếm tiền, các doanh nhân trẻ sẽ có thể dùng niềm đam mê đối với công ty làm nguồn năng lượng làm việc.
Bắt tay thử nghiệm từ sớm
Theo Daniels, trước khi nghĩ tới những thành công lớn, hãy thử tạo nên những thành công nhỏ. Câu hỏi đầu tiên mà các doanh nhân phải trả lời được là: Liệu khách hàng có sẵn lòng bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình hay không? Ông nói: “Hãy đầu tư vào các cuộc thử nghiệm sớm để tìm hiểu xem kế hoạch có thuận lợi không. Giai đoạn thử nghiệm – tức là giai đoạn xây dựng mô hình sản phẩm và thử nghiệm với khách hàng – là thực sự rất quan trọng.”
Daniels cho biết, giai đoạn ban đầu nhằm thẩm định xem sản phẩm có tìm được thị trường không có thể làm chậm lại thời điểm ra mắt sản phẩm, nhưng lại có thể tiết kiệm được nhiều thời gian sau này. Ông nói: “Họ nên học cách nhận biết khi nào thì nên tập trung rồi sau đó nỗ lực làm việc còn hơn là cứ bơi ra giữa thị trường rồi mới nghĩ: ‘Chết! Phải làm lại rồi!’”
Thất bại cũng có cái hay của nó
Hẳn nhiều doanh nhân sẽ đồng ý với nhận định rằng thất bại và những bài học mà nó mang đến có thể là một trong những trải nghiệm hữu ích và nhiều thông tin nhất mà mỗi nhà khởi nghiệp có thể có. Một trong những cái hay khi học các kỹ năng khởi nghiệp trong nhà trường là nó cho phép sinh viên tránh được những thất bại lớn, những thất bại mà khi diễn ra trên thương trường rộng lớn có thể làm hủy hoại danh dự một con người. Daniels nói: “Nếu từ sớm bạn mày mò thử nghiệm rồi thất bại rồi lại thử nghiệm và thất bại thường xuyên, thì khả năng bạn vấp phải thất bại lớn và bất ngờ sẽ giảm đi đáng kể.”
Kết bạn với các con số
Lãnh đạo một doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là ăn mặc sành điệu và ngồi một chỗ đề xuất những ý tưởng sáng giá. Biết cách đọc những con số cũng sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Theo Daniels, không phải ai cũng sẽ trở thành thiên tài trong vấn đề tài chính doanh nghiệp, nhưng chương trình học của Trường Babson cũng dạy sinh viên cách kiểm soát dòng tiền đến – đi. Ông nói: “Khi bạn bắt đầu có doanh số bán hàng và bạn biết những khoản chi phí mình phải bỏ ra, thì các con số lúc này không còn là bài tập hóc búa nữa mà tự chúng sẽ kể lên những câu chuyện có ý nghĩa đối với bạn.”
Học cách giảm thiểu rủi ro
Theo Tiến sĩ Thomas Lyons, chủ tịch Trung tâm Doanh nghiệp Lawrence N. Field của Trường Cao đẳng Baruch, học cách khởi nghiệp thành công thông qua việc tập luyện trong một môi trường mô phỏng là một phương pháp hiệu quả. Trường Baruch áp dụng “chương trình nhận biết, mô phỏng và “lò ấp” doanh nghiệp”, theo đó các sinh viên sẽ thành lập một công ty và được kiểm tra đánh giá kỹ năng khởi nghiệp trong một nền kinh tế “ảo” trực tuyến sử dụng công nghệ gaming. Tiến sĩ Lyons chia sẻ: “Công nghệ này tạo ra một hệ thống điểm thưởng ảo và các khía cạnh khác trong một nền kinh tế; như vậy, sinh viên sẽ được thực hiện ý tưởng và xây dựng doanh nghiệp trong một môi trường mô phỏng.”
Phẩm chất doanh nhân là điều có thể rèn luyện được – nhưng không phải rèn trong nhà trường. Tiến sĩ Lyons cho biết: “Khi khởi nghiệp trở thành một chủ đề nóng, dòng quan điểm chủ đạo đầu tiên là doanh nhân phải có tố chất bẩm sinh thì mới thành công được. Tuy nhiên, các nghiên cứu giờ đây đã phủ nhận gần như hoàn toàn quan điểm này. Không ai có thể tìm ra một đặc điểm chung đúng với tất cả mọi doanh nhân. Vì vậy, chúng ta đang chuyển từ việc tìm ra những người có tố chất doanh nhân để giúp đỡ họ sang việc gây dựng thế hệ doanh nhân.”
Dẫu vậy, theo giải thích của Tiến sĩ Lyons, có thể là các doanh nhân có cách học hay cách xử lý thông tin khác hoặc theo trình tự khác; hơn nữa, trí tuệ cảm xúc cũng có thể là một nhân tố giúp định hình gene “Steve Jobs” trong mỗi người. Hiện các nhà nghiên cứu đang tích cực đào sâu tìm hiểu về các vấn đề này. Nhưng tất cả đều nhất trí rằng nhiệm vụ của nhà giáo dục là phải đặt sinh viên vào trong những môi trường mà qua đó họ được thực hành trực tiếp. Tiến sĩ Lyons nói: “Phải tạo cơ hội cho họ thực hành cũng như giao cho họ các bài tập và các tình huống thực tế. Phải để cho họ đi theo chân của những doanh nhân thành đạt.”
Trong chương trình học của Trường Brigham Young, sinh viên cũng được liên hệ thường xuyên với giáo viên hướng dẫn. Peterson cho biết: “Theo quan điểm của tôi, trường đại học hiệu quả là trường phải có sự kết hợp giữa phương pháp học hàn lâm và phương pháp học thử nghiệm. Về bản chất thì làm kinh doanh cũng là một quá trình học thử nghiệm mà thôi.”
Lượt truy câp: 925388
Trong ngày:
Đang online: 5